Tử tế với... voi

Thứ sáu, 21/08/2015 11:56

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện về voi Buôn Đôn (Đắc Lắc) chưa bao giờ tắt trong tâm trí của ông Nguyễn Trụ (1958), Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái Bản Đôn. Có lẽ ông là một con người tử tế với những "ông tượng" và vua săn voi ở chốn này...

Đừng vì lợi nhuận

Chúng tôi vào Buôn Đôn khi trời vừa hửng sáng. Qua điện thoại, ông Trụ bảo đang dẫn một đoàn khách đi tham quan. Nhưng, nói chuyện về voi thì ông sẽ về ngay. Gặp chúng tôi, ông kể về chuyện voi từ truyền thuyết của người Ê Đê bản địa, ngay chính mảnh đất này. Rồi câu chuyện về Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh tan giặc Ân, đội tượng binh của vua Quang Trung, voi vận đạn tải lương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - ngụy. Ông Trụ lôi ra một xấp ảnh kỷ niệm khi đoàn làm phim "Tây Sơn hào kiệt" chọn nơi đây làm phim trường. Ông bảo: "Chú thấy không, con voi nó gắn liền với người dân chân chất nơi đây, đã ăn sâu vào tiềm thức của những chàng trai núi rừng. Một chặng đường lịch sử gắn liền với voi. Và, một câu hỏi day dứt tại sao con người không sống tử tế với nó, vì nó đã sống quá tử tế với con người rồi. Voi phá nương rẫy, quật chết người không phải là lỗi của nó, mất rừng, mất cái ăn, mất sinh cảnh thì nó phải đi tìm kiếm thôi, nếu biết tôn trọng voi, tôn trọng thiên nhiên thì những câu chuyện đau lòng như vậy không bao giờ xảy ra".

Tượng Vua săn voi được đắp trên một triền đồi.

Là một người làm du lịch nên ông Trụ hiểu rằng sức khỏe của voi là yếu tố quyết định. Nếu voi không khỏe mạnh, mập mạp thì không có sức để chở khách. Một lịch trình được "niêm yết" rõ ràng cho voi, thời gian chở khách trong ngày là bao nhiêu giờ, số người chuyên chở, thức ăn cần những gì, lá thuốc nào ở rừng voi ăn kèm để chữa thương. Tất cả những điều đó đều được ông Trụ giao phó cho những nài voi chuyên nghiệp và chính gốc Buôn Đôn này thực hiện. Đã từng học y khoa nên ông Nguyễn Trụ tường tận về các chất dinh dưỡng cần cho một cơ thể sống. Ông kể lại rằng đã có một người thử nghiệm cà-phê được mời đi đây đó để nêm nếm rồi đưa ra nhận xét. Khi đến Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, người này gọi cà-phê chồn chính hiệu ra uống, vừa thưởng thức, vừa ngắm cảnh. Thấy hai chú voi mập mạp ở đây, ông ta nảy ra một ý định là tại sao chủ nhân của nó không cho voi ăn cà-phê để lấy "cà-phê voi", một ki-lô-gam  mấy chục triệu bạc như chơi!

Nghe vậy ông Trụ mới la lối: "Ở đâu tôi không biết chứ bắt voi ăn quả cà-phê tươi là một "tội ác". Vì một điều rằng, con voi sống tự nhiên không bao giờ ăn cà-phê, Tây Nguyên này đa phần là cà-phê, nếu nó thích tại sao lại không ăn mà phải lặn lội đến các nương ngô, rẫy mía, chòi chuối... để rồi bị con người xua đuổi, dồn ép nó đến đường phải nổi cáu, sinh sự với con người. Muốn có cà-phê voi hảo hạng thì để cho voi đói, dạ dày không có gì thì bắt buộc nó phải ăn thôi. Nếu thực sự voi ăn cà-phê tốt cho sức khỏe, sinh ra lợi nhuận cho gia chủ thì tại sao tôi không làm chứ".

Thông qua báo chí, ông Trụ cũng xin phép nhắn nhủ với những người trên mảnh đất Tây Nguyên và cả nước này rằng làm gì có cà-phê voi, chẳng qua đó là sự bắt ép nhồi nhét vào dạ dày. Voi tự nhiên không thích cà-phê, voi nhà lại càng không thích, chúng chỉ mê đắm những bắp ngô mơn mởn, buồng chuối xanh lè, khúc mía mập mạp... mà thôi. Thế nên bắt một loài động vật hoang dã, vào loại nguy cấp cần được bảo vệ và phát triển ăn những gì chúng không thích, để sinh lợi nhuận bỏ túi, liệu con người có tử tế với nó không. Một câu hỏi không cần câu trả lời.

Ông Nguyễn Trụ (bên phải) nói về tội ác của những kẻ đã sát hại voi Pắc Kú.

Mộ voi, tượng vua

Không chỉ đối xử tử tế với voi như con người, ông Nguyễn Trụ còn xây dựng khu lăng mộ dành cho những chú voi đã ngã xuống và đắp tượng các vua săn voi nổi tiếng.  Ông Trụ dẫn tôi lên khu mộ voi, nơi có hai ngôi mộ của voi Pắc Kú và voi H'Panh. Xin được lược trích tấm bia của voi Pắc Kú: "Voi Pắc Kú được những G'ru ở Bản Đôn bắt được vào mùa hè năm 1978, sau gần 6 tháng thuần dưỡng voi Pắc Kú đã trở thành thành viên của đàn voi nhà Bản Đôn. Với cá tính hiền lành, thân thiện, tham ăn... Pắc Kú được dân làng và đám trẻ yêu thích. Vào cuối năm 1988, Pắc Kú đã được một người ở H. Chư Sê, tỉnh Gia Lai đổi những vật quý để mang về. Đầu năm 2009, sau 21 năm xa đàn voi và buôn làng quen thuộc  Pắc Kú được công ty du lịch sinh thái Bản Đôn đón về tại khu du lịch, được du khách trong và ngoài nước yêu quý. Khoảng 21 giờ, ngày 16-10-2010 trong cơn mưa cuối mùa, Pắc Kú đã bị một lũ người vô nhân tính sát hại bằng xăng và hung khí. 217 nhát chém trên cơ thể, sau 82 ngày đêm sống trong cơn đau do vết thương hành hạ, Pắc Kú đã ra đi...".

Và trong lúc, tượng vua voi, mộ voi được một người lạ lùng, xuất thân từ tỉnh Bến Tre với những rặng dừa xanh ngút mắt xây dựng ở chốn đất khách quê người thì voi rừng vẫn tiếp tục bị sát hại. Voi nhà vẫn bị dùng cho đến sức cùng lực kiệt để một số người kiếm tiền bỏ túi. Chúng tôi ai nấy chỉ biết cúi mặt bước đi trong hoang vắng chiều Buôn Đôn...

Tứ Đức