Từ Ukraine, nghĩ về Thái!

Thứ ba, 25/02/2014 11:29

(Cadn.com.vn) - Cuộc chính biến bất ngờ ở Ukraine khiến người ta thật sự lo lắng cho nền chính trị Thái Lan – nơi cũng đang bùng nổ kiểu biểu tình tương tự.

Đối với nền chính trị từng trải qua 18 lần đảo chính kể từ năm 1932 như Thái Lan, việc lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra như kiểu truất quyền Tổng thống Yanukovich của Ukraine không có gì lạ và khó khăn.

Bà Yingluck đi công tác tại tỉnh Saraburi trong ngày 24-2. Ảnh: Bangkok Post

Nhưng vì sao cho đến nay, quân đội quyền lực của quốc gia Chùa Vàng - lực lượng này lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đồng thời dập tắt làn sóng biểu tình hồi năm 2010 - vẫn im lặng? Có lẽ, họ hiểu rằng, đảo chính sẽ không thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề chính trị hiện nay cũng như Ukraine vậy.

Hiện nay, vấn đề cơ bản của Ukraine đã được gỡ nút thắt. Cuộc biểu tình kéo dài 3 tháng ở Kiev đã kết thúc. Một Tổng thống tạm thời đã lên nắm quyền. Nhưng rồi tương lai Ukraine sẽ ra sao vẫn là dấu hỏi lớn. Những người ủng hộ Tổng thống Yanukovich ngày 24-2 xuống đường tuần hành phản đối cuộc đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo được dân bầu này. Vậy sao người ta lại không thể không nghĩ đến một cuộc biểu tình lớn khác của phe ủng hộ ông Yanukovich? Một vòng tròn luẩn quẩn và bế tắc.

Thái Lan cũng vậy. Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở nước này đang cần một liều thuốc bổ hơn là liều kháng sinh cực mạnh. Đó là lý do vì sao quân đội Thái vẫn tuyên bố đứng trung lập. Ngày 24-2, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha tiếp tục khẳng định, quân đội nước này không có kế hoạch can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, đồng thời hối thúc đối thoại giữa chính phủ và người biểu tình. Trong bài phát biểu hiếm hoi được phát sóng trên truyền hình, ông Prayuth Chan-ocha chỉ rõ so với đợt bất ổn lần trước vào năm 2010, cuộc biểu tình hiện nay có sự tham gia của nhiều phe nhóm hơn và khó xác định được ai đứng về bên nào.

Tuy nhiên, lời kêu gọi này dường như vẫn bị bỏ ngoài tai. Người biểu tình chống chính phủ ngày 24-2 tiếp tục xuống đường sau khi một quả bom phát nổ tại khu mua sắm sầm uất của thủ đô Bangkok giết chết 2 người và khiến ít nhất 22 người bị thương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm về vụ nổ này. Bạo lực bùng nổ từ một “bên thứ ba” khiến Thủ tướng Yingluck phải rời Bangkok “đi công tác” và được cho là đang ở cách thủ đô 150 km.

Các nguồn tin ban đầu không cho biết địa điểm cụ thể song theo Bangkok Post, vào lúc 11 giờ ngày 24-2, bà Yingluck đến thăm một cơ sở sản xuất ở Phu Khae thuộc tỉnh Saraburi. Tại đây, bà bị những người của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PRDC) vây quanh gây cản trở công việc. Họ muốn biết vì sao Thủ tướng Yingluck vẫn thoải mái với “kỳ nghỉ của mình” trong khi người dân tiếp tục bị giết chết trong cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố của thủ đô. 8 người biểu tình PRDC thổi còi, yêu cầu bà Yingluck đi ra và nói chuyện với họ vì họ là người nộp thuế, và cáo buộc chính quyền là nguồn cơn gây bạo lực đẫm máu.

Tuy nhiên, đảng Peau Thai cầm quyền lại cho rằng, chính PRDC đang cố “thiêu rụi” cả đất nước khi xúc tiến triển khai kế hoạch 4 bước nhằm lật đổ chính phủ tạm quyền vào trung tuần tháng 4 tới. Phó phát ngôn viên đảng Peau Thai Anusorn Iamsa-ard cảnh báo, hành động đó sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị và dẫn tới hành động đối đầu bạo lực giữa những người ủng hộ của cả hai bên.

Giới phân tích lo ngại rằng, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban từng ám chỉ tới học thuyết “rung cây xoài trái sẽ rụng” song có khả năng sẽ “nhổ cả cây”.

Khả Anh