Từ văn bản đến thực tiễn

Thứ sáu, 13/11/2015 08:58

(Cadn.com.vn) - Chính quyền Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan (Trung Quốc) vẫn còn ngất ngây trong men say thành công của cuộc gặp lịch sử giữa giới lãnh đạo hai bên vào hôm 7-11.

Thực tế, cuộc họp này cho thấy bước tiến bộ đáng kể trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu trở thành biểu tượng hòa giải giữa hai bên. Cái bắt tay giữa ông Tập và ông Mã là thời khắc lịch sử - mang đến hy vọng cho bước tiến hướng đến nền hòa bình rất được mong đợi giữa hai bờ eo biển. Tuy nhiên, vấn đề người ta đặt ra hiện nay sau cái bắt tay này là có bao nhiêu phần trăm nội dung cuộc họp sẽ đi vào thực tiễn? 

Là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong hơn 6 thập kỷ qua, nên tất nhiên người dân hai bên đặt tất cả kỳ vọng vào đây. Tuy nhiên, trong suốt cuộc nói chuyện, hai bên tồn tại một "cuộc chiến" yên lặng trong khi tại Đài Loan, lãnh đạo phe đối lập, bà Thái Văn Anh đăng tải trên Facebook hơn 70.000 bài viết cùng thời gian này. Bà Thái hiện là ứng cử viên số 1 cho cuộc đua bầu cử nhà lãnh đạo Đài Loan, được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào đầu tháng 1-2016.

Lần cuối cùng người ta chứng kiến một cuộc họp cấp cao như vậy là vào năm 1945, để ăn mừng thành công trong cuộc chiến chống Nhật trong Thế chiến II. Cuộc họp năm nay mang nhiều biểu tượng hơn thế rất nhiều. Đề xuất cụ thể nhất  tại cuộc họp là việc thiết lập một đường dây nóng cho cả hai bên trong trường hợp khẩn cấp. Phần còn lại, cả hai dành thời gian ca tụng lẫn nhau và không có bất kỳ thỏa thuận hay tuyên bố chung nào được ký kết. "Lịch sử sẽ nhớ ngày hôm nay", ông Tập nói, gọi Trung Quốc và Đài Loan là "một giọt máu đào hơn ao nước lã".

Cuộc họp này rõ ràng cũng chính là cơ hội để ông Tập tiếp tục xây dựng một hình ảnh một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn trong bối cảnh Trung Quốc đang bị chỉ trích vì những tuyên bố chủ quyền vô lý và quyết liệt ở biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Và nội dung cuộc họp cho thấy, nó thực chất cũng chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực tiễn ngoài việc đồng ý thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ trưởng phụ trách các vấn đề qua eo biển. Tuy nhiên, trong dài hạn, cuộc gặp lịch sử này sẽ có tác động sâu xa hơn khi nó thiết lập tiền lệ đáng mừng cho giới lãnh đạo hai bên có cơ hội gặp gỡ nhiều hơn.

Hiệu quả rõ ràng hơn nữa là cả hai có thể dễ dàng hội nhập nhanh hơn về nhiều vấn đề, từ kinh tế đến chính trị. Đã có gợi ý rằng, ngoài Bộ phụ trách các vấn đề qua eo biển - Văn phòng Đài Loan ở Bắc Kinh và Hội đồng Đại lục ở Đài Bắc- cũng như các Bộ khác có thể bắt đầu trao đổi trực tiếp. Điều này sẽ được thực hiện dựa trên chính sách "một quốc gia, hai chế độ" vốn đang được các học giả Trung Quốc nói nhiều đến trong thời gian qua.

Cuộc họp của ông Tập và ông Mã được xem như là một sự thừa nhận ngầm của một thực tại như vậy.

Thanh Văn