Tục mua con nuôi và nạn tảo hôn vùng cao

Thứ ba, 02/08/2016 11:31

(Cadn.com.vn) - Dù đã sinh được nhiều con nhưng nhiều gia đình người Đồng Dao tại xã Ea Mróh (H.  Cư M'gar, tỉnh Đắc Lắc) vẫn tìm mua con nuôi. Bởi họ cho rằng, người con nuôi sẽ mang lại điều may mắn và giúp gia đình hạnh phúc hơn. Đáng nói, cũng tại địa bàn xã này, nạn tảo hôn vẫn còn là điều nan giải đối với chính quyền địa phương.

Vợ chồng ông Triều Chăng Cấu nói về việc mua con nuôi.

MUA CON

Trong một lần công tác tại xã Ea Mróh, chúng tôi được nghe ông Triệu Nhất Linh, Thôn trưởng thôn Đồng Dao (xã Ea Mróh) kể rất nhiều điều về tục mua con nuôi của người đồng bào Dao. Nhiều gia đình bỏ hàng vài chục triệu đồng cũng không mua được người con nuôi mà mình mong muốn. Ông Linh cho biết: “Nếu như, với những dân tộc thiểu số khác, việc mua con nuôi hiếm xảy ra thì với người đồng bào Dao, mua con nuôi đã trở thành tục lệ và không có gì lạ lẫm. Có rất nhiều gia đình làm ăn thua lỗ, kinh tế kiệt quệ thì sẽ lập tức đi tìm kiếm mua về một người con nuôi. Người đồng bào Dao cho rằng, đứa con nuôi sẽ giúp gia đình vực dậy khó khăn và mang lại nhiều điều may mắn trong cuộc sống”. Có khi, vì cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng thường xuyên gây gổ với nhau nên nhiều cặp vợ chồng người Dao cũng đi tìm mua con nuôi nhằm giữ gìn hạnh phúc cho gia đình. Ông Linh nói: “Có nhiều cặp vợ chồng đã đứng bên bờ vực của sự chia cắt, tan vỡ nhưng sau khi mua được con nuôi về thì tất cả những mâu thuẫn sẽ tan biến. Do đó, dù đã sinh được nhiều con thì người đồng bào Dao đều sẵn sàng tìm mua con nuôi khi gia đình có những biến cố xảy ra”.

Thế nhưng, cũng có nhiều trường hợp vì không sinh được con nên cũng tìm mua con nuôi cho bằng được. Giải thích về điều này, ông Triều Chăng Cấu (52 tuổi, trú thôn Đồng Dao) chia sẻ: “Năm 1997, sau khi kết hôn nhiều năm, tôi phát hiện vợ không có khả năng sinh con. Thiếu vắng đứa trẻ khiến cho cuộc sống gia đình thường xuyên lục đục. Để chấm dứt tình trạng này, vợ chồng tôi phải đi mua một bé trai về nuôi. Hai năm sau, vợ chồng tôi tiếp tục mua một bé trai sơ sinh với giá 200.000 đồng. Thời đó, cuộc sống khó khăn nên vợ chồng phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi mới đủ tiền mua con”. Ngoài những trường hợp như trên, nhiều cặp vợ chồng vì sinh quá nhiều con trai hoặc sinh toàn con gái cũng đều tìm mua con nuôi. Cứ thế, nhiều năm nay, việc mua bán con của người đồng bào Dao đã trở thành một “giao dịch” thường xuyên nếu chẳng may gia đình có biến cố xảy ra.

GIAN NAN XỬ LÝ NẠN TẢO HÔN

Trao đổi với chúng tôi về việc mua bán con của người đồng bào Dao, ông Trần Viết Lai, Chủ tịch UBND xã Ea Mróh cho hay: “Việc này đã có từ rất lâu và đưa lại không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Bởi việc mua con nuôi của người đồng bào Dao diễn ra âm thầm, lặng lẽ. Ngay cả các trưởng thôn nhiều khi cũng không nắm bắt được nên không báo cho chính quyền xã để can thiệp kịp thời. Vẫn biết, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng nhưng phải thực hiện theo pháp luật”. Ông Lai càng lo ngại hơn khi nạn tảo hôn tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp. “Năm 2015, trên địa bàn xã có tới 8 cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi. Có nhiều cặp chỉ mới 12-13 tuổi cũng được gia đình đồng ý tổ chức đám cưới. Nhiều cặp sau khi ăn ở với nhau có bầu thì âm thầm dẫn về ở với nhau như vợ chồng. Trong trường hợp nắm bắt kịp thời, chúng tôi sẽ cử lực lượng của nhiều ban ngành, đoàn thể xuống giải thích cho người dân hiểu để họ hoãn việc đám cưới trái quy định pháp luật. Với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, nhiều gia đình đã hiểu được việc làm của mình là sai nên đồng ý hoãn đám cưới. Tuy nhiên, có nhiều gia đình đã đồng ý hoãn lúc đó nhưng lại tìm mọi cách lén lút tổ chức đám cưới cho con khi chưa đủ tuổi” – ông Lai lý giải.

Đáng lo ngại hơn cả, nhiều trường hợp vì bị chính quyền địa phương và gia đình can thiệp, ngăn cản không cho cưới khi chưa đủ tuổi thì các em lại dọa dẫm tìm đến cái chết. “Đã có những trường hợp chỉ mới 16-17 tuổi đòi kết hôn nhưng bị gia đình, chính quyền ngăn cản. Thế nhưng, sau đó các cháu lại dọa sống, dọa chết, thậm chí bỏ đi khiến gia đình không khỏi hoang mang, lo sợ. Cũng có trường hợp đã rủ nhau tự tử vì không được kết hôn khi chưa đủ tuổi”-ông Lai cho biết. Do địa bàn xã Ea Mróh khá rộng, dân sống không tập trung nên hệ thống phát thanh của địa phương không thể đến được hết với người dân. Hơn thế, trình độ nhận thức của người dân còn thấp. Khi cuộc sống kinh tế khó khăn, họ nghĩ rằng lấy vợ, chồng sớm cho con để về làm kinh tế mà không cần biết đến hậu quả của nạn tảo hôn là gì. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp không rành tiếng phổ thông nên khi làm công tác tuyên truyền, cán bộ địa phương gặp rất nhiều nan giải. Trong 2-3 năm trở lại đây, địa phương đã đặt công tác tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình lên hàng đầu trong công việc ngăn chặn, xử lý nạn tảo hôn, nhưng xem ra hiệu quả mang lại cũng chưa được bao nhiêu.

Nguyên Trịnh