Tưng bừng trẩy hội Bà Chiêm Sơn
(Cadn.com.vn) - Sáng 2-3, người dân làng Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) tổ chức lễ hội Bà Chiêm Sơn. Lễ hội Bà Chiêm Sơn là một trong những lễ hội cổ xưa nhất còn được lưu giữ được đến ngày nay của tỉnh Quảng Nam . Ông Lưu Cẩm (Trưởng ban tổ chức lễ hội) cho biết: "Ngay từ buổi đầu lập làng người dân dựng dinh thờ vị nữ thần ở Chiêm Sơn trong đó có một tảng đá có hình tượng giống người đàn bà còn gọi là Bà Đá. Khi người dân chuyển Bà Đá về làng để thờ trong ngôi chùa sau các vị Phật nhưng vừa đi qua ngọn đồi Chiêm Sơn thì dây thừng đứt, Bà Đá rơi xuống bám chặt vào đất không thể nâng lên được nữa. Khu vực ấy ngày nay đã trở thành dinh thờ Bà, nơi tâm linh của cả làng".
Những thiếu nữ dâng hoa đèn trong nghi thức cúng Bà Chiêm Sơn. |
Lễ hội Bà Chiêm Sơn tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm với nhiều phần: nghi lễ, ẩm thực và các trò chơi dân gian... Ngay từ sáng sớm, đường vào dinh Bà có rất nhiều hàng quán bày bán những món ăn đậm chất làng quê như hến trộn, ốc hút, xôi dừa....
Lễ cúng trong lễ hội Bà Chiêm Sơn cũng vô cùng đặc biệt: trong không khí mùa Xuân thanh mát, khói hương nghi ngút, 8 thiếu nữ chỉ mang tất trắng dâng hoa bánh lên bà. Từ bên ngoài chính điện, đoàn người tiến vào một bước lạy một bước đi trong câu hát du dương, trầm bổng: "Hôm nay, chúng con kính dâng lên người, cầu cho mưa thuận gió hòa đất trời yên ấm". Bên ngoài dinh, hàng trăm người dân làng Chiêm Sơn và các đoàn hành hương cũng lặng đi trong không khí trang nghiêm ấy. Sau phần dâng hoa của các cô thôn nữ là đến phần dâng hương đèn của những vị tiền bối trong làng. Lần này không còn tiếng hát mà thay vào là tiếng kèn và trống liên hồi. Nghi lễ dâng Bà Chiêm Sơn gồm những loại bánh được chính tay người dân làm nên như bánh thuẩn, bánh quy gai, bánh ít và đặc biệt không thể thiếu một con lợn quay. Con lợn này sau đó sẽ được chia ra để ai cũng nếm được phúc lộc đầu năm mới.
Bên cạnh gian thờ còn để một thau nước và tấm khăn đỏ tượng trưng cho tấm lòng trong sáng, sắt son của dân làng và ước mơ về một mùa vụ cây cối tốt tươi. Không chỉ là nơi tâm linh nhất của làng mà huyền thoại về sự linh thiêng của Bà Chiêm Sơn còn được dân gian lưu truyền sống động. Chẳng thế mà nhiều người từ những vùng xa xôi như Thăng Bình, Núi Thành vẫn về trẩy hội. Truyền thuyết kể rằng có năm trời hạn hán, sâu bọ phá hoại nặng nề, khi người dân khấn bà xong lập tức có trận mưa đổ xuống. Tương truyền khi vua Minh Mạng đi kinh lý Quảng Nam có đến viếng lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và Hiếu Văn Hoàng Hậu, khi đoàn xa giá đi ngang trước dinh bỗng nhiên ngựa lồng lên bỏ chạy. Từ đó về sau miếu được xây dựng hướng vào phía trong cánh đồng.
Ngoài phần lễ, lễ hội Bà Chiêm Sơn còn kéo dài với các tiết mục diễn tuồng và các trò chơi dân gian... Đây là dịp để người dân địa phương thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn và cầu mong một năm mới an lành hạnh phúc.
Hà Dung
* Cùng ngày, UBND P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố cho Đình làng Hòa Phú. Ông Ngô Xuân Tiến - Chủ tịch UBND P. Hòa Minh cho biết, hiện nay phường còn 4 làng cổ gồm Hòa Phú, Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, Hòa An. Để tiết kiệm chi phí phục vụ cho các nhiệm vụ dân sinh, 4 làng sẽ thay phiên nhau tổ chức hội làng chung vào ngày 12, 13 Âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, nhân sự kiện đón nhận Bằng di tích kiến trúc nghệ thuật do thành phố trao tặng, lễ hội sẽ diễn ra trong 7 ngày để phục vụ người dân và du khách.
Quang Vinh |