Tuổi già nương tựa… người dưng
(Cadn.com.vn) - Trong căn phòng chừng 15 mét vuông nằm sâu trong kiệt 250 đường Nguyễn Công Trứ (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), cụ bà Trần Thị Anh (79 tuổi) nằm yên một góc với đôi chân tong teo và được bó bột sau vụ tai nạn. Bên cạnh cụ Anh, cụ bà Nguyễn Thị Quế (74 tuổi) nhẹ nhàng chăm sóc cho người bạn già...
Nhiều năm trước, hai cụ rời Quảng Nam ra Đà Nẵng kiếm sống. Cụ Anh quê ở H. Nông Sơn, còn cụ Quế quê ở H. Đại Lộc. Hai cụ tình cờ gặp nhau trên đường mưu sinh, từ người xa lạ rồi trở thành “đồng nghiệp” bán vé số. Năm ngoái, cụ Anh bị chủ trọ cũ đuổi khéo với lý do già cả, “không biết sống chết khi nào”. Không có nơi nương tựa, ban ngày cụ Anh đi bán vé số, đến tối về lại trải khăn ngủ qua đêm trong chợ. Tình cờ chứng kiến người “đồng nghiệp” co ro một góc giữa chợ An Cư 2, cụ Quế không khỏi xúc động. “Nhìn bà ấy nằm giữa trời gió lạnh mà ứa nước mắt, tôi mới đưa về ở chung phòng trọ của mình. Nhưng được một thời gian thì chủ trọ yêu cầu chuyển đi chỗ khác. Họ nói mình già rồi, lại không có tạm trú tạm vắng, ở lâu dài không được”–cụ Quế bồi hồi kể lại những ngày gặp cụ Anh. Hai con người tuổi ngoài thất thập lại dắt díu nhau đi tìm chỗ trọ mới. Dãy trọ mới cũng hết phòng, người chủ trọ thương tình cho hai cụ ở ghép với một anh công nhân. Ban ngày hai cụ đi bán vé số, đến tối về lại trải chiếu ngủ dưới nền nhà, mỗi tháng góp tiền cùng nhau trang trải sinh hoạt.
Từ ngày cụ Anh bị tai nạn đến nay, một tay cụ Quế chăm lo cho người bạn già của mình |
Bốn tháng trước, cụ Anh bị tai nạn giao thông khi đang đi bán vé số. Do vết thương quá nặng (bị gãy chân trái), cụ Anh được chuyển từ Bệnh viện 199 sang Bệnh viện Đà Nẵng bó bột. “Tháng đầu tiên, người thanh niên gây tai nạn có đến thăm nuôi, săn sóc thuốc thang rồi bỗng dưng không thấy quay lại nữa, gọi điện thoại cũng không bắt máy. Hỏi ra mới biết nhà họ cũng khó khăn, mẹ thì đi bán cá, con dâu thì mới sinh. Tiền mổ thì tới 14 triệu đồng, lại thêm thuốc men mấy tháng trời, không kham nổi nên chỉ xin bác sĩ bó bột rồi về nhà. Mình khổ, người ta cũng khổ, nên thôi...”, cụ Quế tâm sự. Kể từ ngày cụ Anh bị tai nạn, cụ Quế vừa mưu sinh, vừa chăm sóc từ miếng ăn cho tới chuyện vệ sinh cá nhân cho người bạn già. Số tiền bán vé số mỗi ngày cũng chỉ được 50 nghìn đồng. Không đủ tiền mua gạo, cụ lại đi xin cháo từ thiện, xin cơm tình thương cho cụ Anh. Cứ mỗi buổi sáng, cụ Quế đi bán vé số từ 5 giờ 30, tranh thủ đến 7 giờ 30 lại về nhà lo ăn uống, thay tã cho cụ Anh rồi mới đi bán tiếp. Một số người biết chuyện ghé tặng hai cụ tấm đệm mỏng, gói tã giấy, ít thuốc men qua ngày.
Tài sản của cụ Anh mang theo bên mình chỉ có cuốn sổ hộ khẩu đứng tên một mình cụ và vài bộ áo quần cũ kỹ. Kể về những ngày bé, cụ Anh mồ côi mẹ năm lên 8 tuổi, 4 năm sau thì cha cũng mất. Cụ lang thang làm thuê làm mướn với cô chú trong nhà. Đến khi lập gia đình, những tưởng sớm có chốn ổn định thì chồng con cũng lần lượt từ giã cõi đời, căn nhà bị lũ cuốn trôi. Không còn một ai bên cạnh, đôi chân của người phụ nữ khắc khổ khi ấy lại lang bạt khắp mọi nơi. Cuốn sổ hộ khẩu chỉ còn độc nhất mỗi cái tên Trần Thị Anh. Cách đây mấy tháng, cụ Anh sơ ý làm mất vé số của đại lý. Số tiền đền bù 2,6 triệu đồng quá sức với hai bà lão ở tuổi ngoài thất thập. “Thấy bà Anh bị tai nạn, chủ đại lý trừ nợ 600 nghìn đồng, còn lại vẫn trả đầy đủ, nợ tiền người ta vậy chứ biết khi nào trả được”, cụ Quế thở dài. Bản thân cụ Quế cũng nghèo, chồng mất, con cái ở quê cũng cực nhọc nên có được đồng tiền trang trải cũng khó khăn lắm.
Những người ở xóm trọ thương tình hàng ngày vẫn thường xuyên qua lại hỏi han, chăm sóc cụ Anh những khi cụ Quế vắng nhà. Cụ bà Trần Thị Thành (75 tuổi, hàng xóm của hai cụ) chia sẻ: “Hai bà ấy nương tựa vào nhau mà sống cũng tội nghiệp, tuổi già không con không cháu, lại ốm đau bệnh tật. Nhìn bà Quế chăm sóc cho bạn già mới thấy cái tình của cụ tốt như thế nào”. Cảm thương cho hoàn cảnh của hai cụ, bà chủ trọ tốt bụng hàng tháng vẫn giảm tiền trọ, lúc lại lo cho hai cụ phần cơm, phần cháo. Căn phòng trọ nhỏ ở K250/28 đường Nguyễn Công Trứ nhờ vậy mà ấm áp tình người. Rồi đây, không biết số phận còn đẩy đưa họ đến những gian khó, truân chuyên nào nữa, chỉ mong cụ Anh chóng khỏe để còn đỡ đần cụ Quế trên bước đường mưu sinh tuổi xế chiều...
Thảo Vy