Tướng Giáp- thời trẻ sôi nổi ở Huế
* Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp phiên toàn thể lần thứ nhất
* Linh cữu Đại tướng sẽ được chuyển bằng máy bay riêng từ Hà Nội về Quảng Bình ngày 13-10
(Cadn.com.vn) - Người dân xứ Huế buồn thương khi Đại tướng Tổng Tư lệnh qua đời. Nhưng người Huế cũng rất tự hào vì người Anh hùng dân tộc, vị tướng thiên tài của nhân loại trong mọi thời đại Võ Nguyên Giáp đã có một thời học sinh - sinh viên sôi nổi ở Huế.
Trong bộ sách Quốc học Huế xưa và nay do NXB Văn hóa thông tin biên soạn, nhà văn Trần Phương Trà chủ biên, đã dành 11 trang nói về Võ Nguyên Giáp ở Huế, một trong số ít người có dung lượng phản ảnh dài nhất...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: T.L |
Mùa hè năm 1925, cụ Võ Quang Nghiêm dẫn con trai Võ Nguyên Giáp, tên lúc đó là Võ Giáp, từ Trường Tiểu học Đồng Hới vào thi Trường Quốc học Huế. Anh đỗ thứ nhì, loại khá. Nhập học, tháng nào cậu cũng đứng đầu lớp, có tên hàng đầu trên bảng danh dự, được cấp học bổng. Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư trong sách "Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thời trẻ": "2 năm học ở Trường Tiểu học Đồng Hới, cậu luôn đứng đầu lớp và vào kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ đầu tỉnh". Mấy năm sau thì em ruột Giáp là Võ Nho (Võ Thuần Nho) cũng vào Trường Quốc học Huế. Việc hai anh em ruột cùng được học Quốc học Huế là chuyện hiếm thời đó.
Cụ thân sinh Võ Quang Nghiêm và mẹ là Nguyên Thị Kiên phải lao động cật lực mà chỉ dành dụm đủ tiền cho hai anh con trai đi học thôi, các chị em gái không được ưu tiên. Ở Huế, ông học giỏi, ngoài việc học, Võ Nguyên Giáp còn sớm có sự quan tâm đến các vấn đề chính trị-xã hội, đến đất nước thuở ấy đang trong cảnh nô lệ. 14-15 tuổi, hàng tuần ông đã tìm gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu để nghe cụ nói chuyện. "Biệt nhãn" của cụ Phan cũng đã sớm nhận ra tinh thần cách mạng hay một thiên tư nào đó tiềm ẩn trong con người Võ Nguyên Giáp. Trung tướng Phạm Hồng Cư (là anh em "đồng hao"-phu nhân Đặng Bích Hà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân của Trung tướng Phạm Hồng Cư là hai chị em ruột) kể lại trong cuốn sách: anh Giáp được cụ Phan chú ý và rất thương.
Cụ có mấy chục bộ sách cổ kim, thấy anh Giáp hăng hái, nhiệt tình và ham học, cụ bảo: "Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp". Trung tướng Phạm Hồng Cư viết: thời kỳ Võ Nguyên Giáp ở Huế là một thời kỳ sôi nổi, làm việc cật lực: "Làm nhiều việc cùng một lúc: vừa học thi, vừa đi dạy, vừa viết báo, vừa hoạt động cách mạng. Là chiến sĩ cách mạng, là thầy giáo dạy sử, là nhà báo, là sinh viên...". Năm 1927, Võ Nguyên Giáp viết bài báo đầu tiên, bằng tiếng Pháp: "À bas le tyranneau de Quoc hoc!" (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!), gửi đăng ở tờ L'Annam của luật sư Phan Văn Trường tại Sài Gòn. Bài báo tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị. Tháng 4-1927 tại Trường Quốc học Huế diễn ra một cuộc bãi khóa rầm rộ với quy mô lớn để phản đối việc nhà trường đàn áp học sinh.
Nguyễn Chí Diểu, một học sinh cùng khóa với Võ Nguyên Giáp bị đuổi học. Võ Nguyên Giáp liền bàn với Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) tiếp tục tổ chức bãi khóa để phản đối việc này. Ông bị tên giám thị Pháp chú ý, coi là kẻ cầm đầu những cuộc đấu tranh bãi khóa ở trường. Cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc học Huế lan rộng ra khắp các trường ở Huế và phát triển thành cuộc tổng bãi khóa. Võ Nguyên Giáp bị bắt, bị đuổi học, phải trở về quê nhà. Một hôm Nguyễn Chí Diểu lặn lội từ Huế về làng An Xá tìm gặp Võ Nguyên Giáp, mang theo một tập tài liệu về "Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới" và một số văn kiện cuộc họp của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu, trong đó có 2 bài phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Anh Giáp đọc rất xúc động.
Cũng thời gian này, anh bắt đầu làm quen với chủ nghĩa Marx. Rồi anh gia nhập đảng Tân Việt, một đảng mà theo anh là có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa rõ rệt, hướng tới sứ mệnh làm cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới. Ở Tân Việt, Võ Nguyên Giáp làm công tác tuyên huấn, viết tài liệu tuyên truyền cách mạng. Từ năm 1928, anh kiêm thêm vai trò biên tập viên của Tiếng Dân, tờ báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Những người thầy cũng như bạn học cũ của Võ Nguyên Giáp đã dành nhiều lời tốt đẹp để nói về thời kỳ anh học ở Trường Quốc học.
GS, NGND Nguyễn Thúc Hào, bạn Võ Nguyên Giáp ở trường Quốc học, kể: "Trong kỳ thi vào Quốc học, tôi đỗ đầu còn anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai. Tôi còn nhớ anh Giáp trắng trẻo như con gái, tuy đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm học đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được làm "major", nghĩa là đầu lớp, mà tôi thì luôn luôn đứng thứ hai... Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thế thôi. Các giáo sư Việt cũng như Pháp đều tỏ vẻ bằng lòng đối với hai chúng tôi, nhất là đối với anh Giáp, học giỏi".
Trường Quốc học Huế-nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp học trung học. |
Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế, bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng. Tại Huế, Nguyễn Chí Diểu giới thiệu anh đến làm việc ở Quan Hải Tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương, trụ sở đặt ở phố Đông Sa. Sáng lập viên là Đào Duy Anh (là thầy giáo Trường Quốc học). Tại đây Võ Nguyên Giáp có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng. Đặc biệt là cuốn "Bản án chế độ thực dân Pháp" và tờ báo "Người cùng khổ" (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc viết từ Pháp gửi về. Đầu tháng 10-1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở lao Thừa Phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng...
Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ bằng cử nhân luật năm 1937. Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư. Sau đó theo Giáo sư Đặng Thai Mai về dạy sử ở trường Thăng Long, Hà Nội. Ngày 3-5-1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh...
Ký ức của Võ Nguyên Giáp về Huế sâu nặng là khi cụ Võ Quang Nghiêm, thân phụ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị quân Pháp bắt tháng 5-1947 tại làng An Xá trong một trận càn. Chúng chuyển cụ vô nhà lao Thừa Phủ, bắt cụ phải khuyên con về với Pháp. Không được, chúng tra tấn cụ dã man. Một ngày giữa trưa tháng 6-1949, cụ Võ Quang Nghiêm đã trút hơi thở cuối cùng trong nhà lao. Anh Vũ Xuân Chiêu, lúc đó là Bí thư thị ủy Thuận Hóa đã báo ra cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chiến khu Việt Bắc. Đại tướng đã khóc suốt đêm về tin cha bị giặc Pháp giết...
Tìm hiểu những năm tháng Võ Nguyên Giáp đi học và hoạt động sôi nổi ở Huế, ta biết được sự bắt đầu, sự khởi hành của một con người trên con đường trở thành vị tướng huyền thoại, một anh hùng dân tộc.
Ngô Minh
Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng V õ Nguyên Giáp họp phiên toàn thể lần thứ nhất Chiều 7-10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Ban Lễ tang Nhà nước, Trưởng Ban Tổ chức Lễ Quốc tang đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ nhất với các thành viên Ban Lễ tang và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội và gia đình Đại tướng để thống nhất kế hoạch tổ chức Lễ Quốc tang đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Ban Tổ chức Lễ Quốc tang phải chuẩn bị thật kỹ càng, tỉ mỉ, chi tiết với tình cảm và trách nhiệm cao nhất để tổ chức lễ tang đồng chí Đại tướng thật trang trọng, chu đáo, an ninh, an toàn tuyệt đối tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Bình - quê hương của Đại tướng. Theo kế hoạch, sau lễ truy điệu sáng 13-10, từ nhà tang lễ số 5-Trần Thánh Tông (Hà Nội) linh cữu của Đại tướng sẽ được chuyển lên máy bay riêng để đưa về sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Từ sân bay Đồng Hới, linh cữu Đại tướng tiếp tục được đưa đến địa điểm an táng tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, H. Quảng Trạch). * Ngay sau khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được đưa về an nghỉ ở quê nhà, Tỉnh ủy Quảng Bình đã thành lập Ban chỉ đạo lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm 17 thành viên, do đồng chí Lương Ngọc Bính- Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban tang lễ tại quê nhà Đại tướng. * Ngày 7-10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký công văn số 8894, yêu cầu: Trong hai ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ 12 giờ ngày 11-10 đến 12 giờ ngày 13-10), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. Thu Thủy – Xuân Sơn |