Tương lai nào cho cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra?
(Cadn.com.vn) - Cựu Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra hiện đang đối mặt với án tù 10 năm do chương trình trợ giá lúa gạo gây thất thoát hàng tỷ USD.
Kế hoạch chưa thấu đáo
Bà Yingluck dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 7-2011, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan và dẫn dắt đảng Peau Thai nhờ vào lời hứa đảm bảo giá thu mua lúa của nông dân với giá 15.000 baht (450 USD)/tấn, cao hơn 4.000 baht so với đảng Dân chủ trước đây và cao hơn gần 50% giá thị trường toàn cầu.
Thoạt nhìn, chiến lược này không phải là mục tiêu không thực tế: Mua gạo từ nông dân với giá cao, dự trữ để giảm nguồn cung tổng thể và làm tăng giá cả toàn cầu, sau đó bán lại ở một mức giá cao hơn để thu hồi kinh phí ban đầu. Vào thời điểm đó, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, kiểm soát 30% thị trường. Bà Yingluck nghĩ, thị phần này đủ lớn để thao túng giá cả toàn cầu. Dù đó là sự ngây thơ, thỏa mãn chính trị, hay dự báo kém hiệu quả hoặc kết hợp cả 3 yếu tố, kế hoạch này tạo phản ứng ngược.
Trong một vài tháng, kế hoạch này mang lại những tia sáng hy vọng cho Thái Lan. Ngay cả trước khi chương trình được thực hiện, giá gạo tăng 5,4% trong tháng 7, lên 546 USD/tấn. Tuy nhiên, giá thu mua của nông dân vẫn đảm bảo ở mức 15.000 baht/ tấn lúa và chính phủ thua lỗ.
Hiện chưa rõ kết cục của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ảnh: Diplomat |
Tác động đến ngân sách
Không thực tế ngay từ đầu, kế hoạch của bà Yingluck bắt đầu ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia. Trong năm đầu tiên, nó tiêu tốn 4,4 tỷ USD (1,2% GDP) của cả nước trong năm 2012.
Tuy nhiên, viện Nghiên cứu Phát triển Thái (TDRI) ước tính, mức tiêu tốn này từ 5,9-7,1 USD. Con số chính thức tổng thiệt hại vẫn chưa được chính phủ công bố, nhưng khoảng từ 8-20 tỷ USD. Nhìn chung kế hoạch này không phải là quá đắt. Có nhiều trường hợp chính phủ trên thế giới đầu tư các dự án đắt đỏ hơn nhiều nhưng thất bại. Vậy tại sao điều này dẫn đến sự sụp đổ của bà Yingluck?
Thiệt hại của kế hoạch trợ giá gạo không phải là nguyên nhân chính khiến bà Yingluck phải đối mặt luận tội. Căng thẳng chính trị xảy ra ở Thái Lan trong gần một thập kỷ trước đây, cho đến khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự và bị kết án tham nhũng. Hiện nay, ông đang sống lưu vong và sẽ phải ngồi tù 2 năm vì tội tham nhũng nếu về nước. Đối thủ của bà Yingluck tuyên bố bà chịu sự chỉ đạo của anh trai đang sống lưu vong và đại diện cho tham nhũng.
Tất cả lên đến đỉnh điểm khi quân đội lại đảo chính vào ngày 22-5-2014, lật đổ bà Yingluck và đưa Tư lệnh quân đội, tướng Prayut Chan-O-Cha lên nắm quyền. Mặc dù có nhiều sự kiện dẫn đến đảo chính, chương trình trợ giá gạo vẫn đe dọa nguyện vọng chính trị tương lai và tự do của vị nữ chính trị gia này. Ngày 23-1-2015, Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) ủng hộ chính quyền quân sự cầm quyền, ra quyết định cấm bà tham gia chính trường Thái Lan trong 5 năm tiếp theo.
Thậm chí bà Yingluck phải đối mặt với phiên tòa hình sự cho những thất bại của chương trình trợ giá gạo. Nếu bị kết tội, bà phải đối mặt với 10 năm tù giam. Các nhà phân tích hầu hết dự đoán, bà sẽ bị kết án. Nếu vậy, điều này sẽ gây ra biến động chính trị. Những người ủng hộ bà sẽ tập hợp và kích động bạo lực trong khi bà Yingluck ngồi tù. Hơn nữa, nó có thể gia tăng căng thẳng với Mỹ, vốn cho rằng việc luận tội bà Yingluck là động cơ chính trị.
Nếu bản án quá khắc nghiệt, những người ủng hộ gia đình Shinawatra ở nông thôn miền bắc và đông bắc - gọi chung là phe Áo đỏ - có thể phản đối và yêu cầu quân đội từ chức. Còn nếu quá yếu, gia đình Shinawatra có thể kích động người ủng hộ tẩy chay cuộc tổng tuyển cử năm 2016.
An Bình
(Theo Diplomat)