Tương lai nào cho Tổng thống Jacob Zuma?

Thứ hai, 04/04/2016 15:21

(Cadn.com.vn) - Còn đến 3 năm nữa, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma mới kết thúc nhiệm kỳ. Thế nhưng, quyết định gần đây của Tòa án Hiến pháp Nam Phi khi yêu cầu ông hoàn trả lại số tiền "cố ý" sử dụng để sửa chữa tư dinh cũng như lời xin lỗi trên truyền hình hôm 1-4 của nhà lãnh đạo này làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của vị Tổng thống Nam Phi. Liệu "kịch bản" nào sẽ xảy ra trong tương lai dành cho nhà lãnh đạo 73 tuổi này?

Từ chức

Điều này được tiên đoán là khó có thể xảy ra và tỷ lệ này ngày càng được củng cố sau lời xin lỗi của vị tổng thống trên truyền hình. Ngoài ra, Tổng thống Zuma không phải là người có thể từ bỏ mọi thứ dễ dàng. Ông là một nhà chiến lược tài giỏi luôn luôn cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu đã hoạch định. Bên cạnh đó, ông Zuma vẫn còn nhận được sự ủng hộ của Liên đoàn Thanh niên và Liên đoàn phụ nữ của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC).

Luận tội

Phe đối lập trong Quốc hội do đảng Liên minh Dân chủ (DA) dẫn đầu đã đệ đơn yêu cầu luận tội vị tổng thống này. Họ cũng từ chối lời xin lỗi của ông trên truyền hình và cho rằng đó là "một sự xúc phạm đến người dân chúng tôi". Từ ngữ "luận tội" không xuất hiện trong Hiến pháp của Nam Phi nhưng đồng nghĩa với nó là "phế truất" theo điều 89 của Hiến pháp. Tuy nhiên để thông qua yêu cầu bãi nhiệm ông Zuma, đảng DA phải hội đủ 2/3 số phiếu của Quốc hội, tức 267/400 ý kiến tán thành. Con số này rất khó. Hiện tại, số thành viên của đảng DA chỉ 89, ít hơn 170 so với đảng ANC. Vì vậy, để việc phế truất Tổng thống Zuma thành công, DA cần có được sự tán thành đáng kể các nghị sĩ đảng ANC. Nhưng, theo cuộc thăm dò mới đây, đa số nghị sĩ đảng ANC hoan nghênh lời xin lỗi của tổng thống và khẳng định vẫn ủng hộ ông. Nhiều thành viên cũng khẳng định sẽ không bao giờ bỏ phiếu chống lại một nhà lãnh đạo được bầu với đa số phiếu tín nhiệm tại đại hội đảng ANC có 5.000 đại biểu.

Việc sửa chữa lại dinh thự Nkandla trở thành ván bài chính trị đau đầu cho Tổng thống Zuma.
 

Không tín nhiệm

Nếu việc luận tội không thành, các nghị sĩ DA có thể thực hiện nỗ lực khác: đó là bỏ phiếu không tín nhiệm. "Nếu tổng thống bị luận tội, ông sẽ mất tất cả những lợi ích trong việc nắm quyền, ví dụ như không nhận được lương hưu và không được giữ bất kỳ chức vụ nào khác. Nhưng nếu ông bị mất chức vì không nhận đủ phiếu tín nhiệm thì ông vẫn có thể có được những lợi ích đó".

Bị ANC "sa thải"

Mặc dù 6 nhà lãnh đạo hàng đầu quốc gia đánh giá cao lời xin lỗi của ông Zuma nhưng ủy ban điều hành quốc gia gồm 100 thành viên của đảng ANC có thể triệu tập một cuộc họp đặc biệt và yêu cầu Tổng thống Zuma phải từ chức. Nếu xảy ra kịch bản này, người thay thế ông là Phó Tổng thống hiện tại  Cyril Ramaphosa. Và ông Ramaphosa sẽ trở thành tổng thống trong khi ông Zuma vẫn là người lãnh đạo đảng. Điều này sẽ gây ra sự phân chia quyền lực một cách đáng sợ - điều mà đảng ANC cố gắng tránh né kể từ năm 2007.

Giữ nguyên hiện trạng

Đảng ANC có thể không đưa ra động thái nào cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử cấp tỉnh thành vào cuối năm nay. Bởi giới phân tích cho rằng, việc luận tội hay phế truất Tổng thống Zuma sẽ khiến đảng trả giá đắt.  Nhưng điều này cũng có thể thay đổi vào phút chót. Trong vài tháng tới, Tòa án Tối cao ở Pretoria sẽ đưa ra phán quyết về việc có nên phục hồi lại cáo buộc tham nhũng chống lại ông Zuma. Việc hồi phục hơn 700 cáo buộc tham nhũng trong thời gian ngắn trước khi ông Zuma trở thành tổng thống vào năm 2009 có thể sẽ làm hoen ố thêm tên tuổi của ANC. Không một thành viên nào trong đảng muốn điều này xảy ra, đặc biệt là sau phán quyết gây bão của Tòa án Hiến pháp trong tuần này về vai trò của Tổng thống Zuma.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)