Tương lai u ám
(Cadn.com.vn) - Tương lai chính trị của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MBO) khuấy lên nhiều tranh luận ở Ai Cập, đặc biệt là sau khi nhóm này cùng với những người biểu tình bị quân đội trấn áp dã man vì kiên quyết đòi phục hồi chiếc ghế Tổng thống cho ông Mohamed Morsi.
Sau vụ quân đội Ai Cập trấn áp đẫm máu người biểu tình ngồi của MBO làm gần 700 người thiệt mạng và hơn 4.200 người khác bị thương, cộng đồng quốc tế có phản ứng nhưng khá chừng mực. Người ta cứ nghĩ Washington – đồng minh quân sự thân cận của Cairo – ít nhất sẽ làm gì đó mạnh tay để cảnh cáo quân đội Ai Cập. Nhưng không, họ chỉ thông báo hủy bỏ cuộc tập trận hai năm một lần với quân đội Ai Cập mà không có bất kỳ tuyên bố nào, dù là ám chỉ, đến việc hủy viện trợ quân sự lên đến 1,5 triệu USD/năm cho Cairo.
Trong khi đó, các nước lớn khác cũng như Argentine - Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ chỉ kêu gọi “các bên giữ thái độ chừng mực” sau khi tham khảo ý kiến của 15 thành viên. Và cũng chỉ có ít các vương quốc Arab lên án cuộc đàn áp đẫm máu này. Vì sao vậy? Theo giới phân tích, hầu hết các nhà lãnh đạo Arab ủng hộ ngầm quân đội Ai Cập chặn đứng để tiến lên mạnh mẽ của MBO, vốn bị xem là có nguy cơ đe dọa các vương triều ở Trung Cận Đông. Hầu hết các nước Arab, trừ Qatar, đều rất sợ MBO xuất khẩu mô hình sang các nước láng giềng.
Cần lưu ý rằng Nga phân loại MBO như một nhóm khủng bố. Truyền thông Israel ngày 17-8 còn cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin có những hành động thể hiện sự ủng hộ đối với quân đội Ai Cập. Theo đó, ông Putin tiến hành một phiên họp bất thường tại điện Kremli để “thảo luận tình hình và có những bước đi cần thiết nhằm cho phép quân đội Ai Cập tùy ý sử dụng các cơ sở quân sự Nga”. Tổng thống Nga còn tuyên bố sẽ thu xếp các cuộc tập trận chung với quân đội Ai Cập.
Ngoài ra, việc sử dụng vũ khí và tấn công trụ sở chính phủ làm suy yếu tương lai chính trị của MBO. Nhiều người cho rằng, phải dùng đến bạo lực là “một vụ tự sát chính trị” đối với các nhóm trong nhiều thập niên qua, trong khi những người khác tin rằng nó là “quá sớm” để kết luận rằng, đời sống chính trị của MBO đang đi đến hồi kết thúc. Ông Mohamed Mansour, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu của Đại học Assiut, dự đoán rằng, MBO sẽ không bỏ cuộc dễ dàng.
Trong bối cảnh sống còn, MBO – có lịch sử lâu dài từ năm 1928 -sẽ phải đoàn kết lực lượng và gia tăng ảnh hưởng trở lại như một đối thủ cạnh tranh trên chính trường Ai Cập.
Thanh Văn