Tùy tiện chiếm đường!

Thứ ba, 22/12/2015 08:35

(Cadn.com.vn) - NXD và Tư Văn Hóa ở cùng xóm, tuy nhiên, mỗi người mỗi việc cũng ít gặp nhau. Tối qua, khi đến họp tổ dân phố, Tư Văn Hóa đề cập ngay:

- Khi sáng đi làm, NXD có thấy  xóm mình có sự kiện gì không?

- Tư muốn nói cái rạp cưới dựng chắn hết lối đi của người và phương tiện chứ gì?

- Thì đó đó, đường công cộng mà cứ như sân nhà họ vậy, rạp thì căng từ bên này sang bên kia đường, choán hết lối đi lại của người dân, còn mái che thì thấp lè tè, đi xe máy còn sợ đụng đầu, thử hỏi nếu có việc khẩn cấp, ô-tô vào sao được?

- Tư phải thông cảm chứ, có thể họ khó khăn nên phải che tạm rạp trong thời gian ngắn, xong việc thì dỡ chứ ai để đó làm gì?

- Xê xoa vậy không nên, bữa trước, ở TP Hồ Chí Minh, cũng vì một cái rạp đám cưới che trái phép, choán hết 2/3 con đường mà xảy ra TNGT đó. Một người cha đón con gái đi làm về, đến đoạn đường bị chiếm dụng làm rạp đám cưới đã bị 1 chiếc xe tải do tránh cái rạp này tông vào, hậu quả là người con bị tử vong, ông thấy có đau lòng không.

Thấy Tư Văn Hóa "căng", NXD liền hạ nhiệt:

- Nói vậy thôi, chớ hồi chiều NXD thấy họ dỡ rạp và chuyển ra dựng ở một khu đất trống gần đó rồi...

Tư Văn Hóa có vẻ hoan hỉ:

- Thế mới phải chứ. Chính quyền phải cương quyết thì mới giữ nghiêm được trật tự chứ tôi thấy bữa rày tình trạng đường phố, kiệt hẻm bị che chắn tùy tiện khá phổ biến, nào đám ma, đám cưới, liên hoan, sinh nhật, nhà mới, thôi nôi, giỗ chạp... Việc gì cũng thấy người ta chiếm đường dựng rạp, rồi nhạc nhẽo ầm ĩ, chẳng kể gì đến những người xung quanh có bị ảnh hưởng không, giao thông có bị cản trở không.

- NXD cũng thấy vậy, nhưng nói đi cũng phải nói lại, ở thành phố, nhà cửa chật hẹp, có những việc như ma chay, chẳng lẽ lại  mang đi nơi khác mà làm nên buộc người ta phải chiếm dụng lòng đường, cũng nên thông cảm thôi. Tuy nhiên, được việc của mình thì cũng phải nghĩ đến người khác, nếu trường hợp cần thiết phải che rạp thì cũng phải chừa lại phần đường cho người và phương tiện qua lại nữa chứ, không thể chiếm "trọn gói" như của riêng được. Ông có đồng ý với tôi không?

- Đồng ý quá!

N.X.D