Tuyên án vụ 4 phu vàng tử vong do ngạt khí

Thứ bảy, 19/11/2016 12:21

(Cadn.com.vn) - Liên quan đến vụ 4 phu vàng tử vong do ngạt khí, ngày 18-11, TAND tỉnh Quảng Nam đưa vụ án ra xét xử đối với 4 bị cáo gồm: Văn Thị Hoài Thương (1980, trú thôn Dung, TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang, Quảng Nam), anh em Cụt Văn Hoanh (1987), Cụt Văn Bình (1998, cùng trú xã Bảo Thắng, H. Kỳ Sơn, Nghệ An) và Và Bá Nhìa (1984, trú xã Mường Lống, H. Kỳ Sơn) về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Riêng Văn Thị Hoài Thương còn bị truy tố thêm tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ”.

Hầm vàng nơi 4 phu vàng thiệt mạng do bị ngạt khí.

Cái chết đau lòng

Theo cáo trạng, năm 2015, Văn Thị Hoài Thương đầu tư tiền và công cụ, phương tiện thuê nhân công tổ chức khai thác vàng trái phép tại khu vực đồi Cho Val (thuộc thôn Dung, TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang). Do quá trình khai thác chi phí nhiều nhưng không thu được sản phẩm nên tháng 12-2015, Thương tạm dừng không khai thác nữa. Đầu năm 2016, Nguyễn Kim Vui (1988, trú thôn Dung, TT Thạnh Mỹ) là người đã làm cho Thương trước đây yêu cầu Thương đầu tư tiền để Vui gọi người tiếp tục tổ chức khai thác vàng tại địa điểm trên. Thương đồng ý và giao cho Vui gọi người, trực tiếp quản lý việc khai thác tại bãi, còn tiền công và chi phí Thương lo.

Sau đó, Nguyễn Kim Vui đã điện thoại liên lạc 6 người gồm: Cụt Văn Hoanh, Cụt Văn Bình, Và Bá Nhìa và 3 anh em ruột Cụt Hải Sơn (1982), Cụt Phô Pheng (1983), Cụt Văn Ngọ (1987, cùng trú xã Bảo Thắng, H. Kỳ Sơn) vào làm công cho Thương và Vui với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Ngày 8-4, sau khi chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị, nhóm của Vui bắt đầu tổ chức khai thác bằng hình thức sử dụng khoan hơi, vật liệu nổ để đánh lấy đá trong hầm (hầm đã khai thác năm 2015) ra xây cho chảy qua máng ngân, lọc lấy vàng.

Đến 16 giờ ngày 12-4, Cụt Văn Bình và Cụt Hải Sơn vào đường hầm có độ sâu khoảng 9m, dài khoảng 30m đục đá để nhét 6 quả bộc phá tự chế (bằng thuốc nổ và kíp điện) vào các vị trí để phá lấy đá. Đặt thuốc nổ xong, tất cả ra khỏi hầm, riêng lúc này Cụt Phô Pheng kích điện cho bộc phá nổ. Khi bộc phá nổ, Sơn bị ngất rơi xuống hầm. Thấy Sơn rơi, lần lượt Vui, Pheng, Ngọ, Bình dùng dây xuống hầm cứu Sơn nhưng khi xuống hầm đều bị ngất không lên được. Hoanh và Nhìa xuống tiếp nhưng do thấy khó thở nên quay lên để tìm người đến cứu những nạn nhân trên.

Nhận được tin báo, người dân và các lực lượng chức năng đến hiện trường bơm khí xuống hầm để đưa các nạn nhân ra khỏi hầm. Khi được đưa ra khỏi hầm thì 4 người gồm Nguyễn Kim Vui, Cụt Hải Sơn, Cụt Phò Pheng và Cụt Văn Ngọ đã chết, riêng Cụt Văn Bình hấp hối được đưa đến bệnh viện cấp cứu nên đã hồi phục.

Điều đáng nói, 3 anh em ruột Sơn, Phèng, Ngọ chết đi để lại cha mẹ già và 10 đứa con thơ dại, trong đó vợ chồng Phèng có 4 người con, vợ chồng Sơn có đến 6 người con, riêng Ngọ chưa có gia đình. Còn anh Nguyễn Kim Vui mất đi cũng để lại mẹ già, vợ trẻ và một cháu nhỏ mới 1 tuổi…

Kết quả giám định pháp y sau đó kết luận 4 nạn nhân trên tử vong do ngộ độc khí CO. Khám nghiệm hiện trường, CQĐT phát hiện thu giữ 1 gói kíp nổ điện bên trong có 39 kíp, 9 quả bộc phá tự chế, 2 gói thuốc nổ trọng lượng 1,42kg chưa sử dụng. Qua làm việc, Văn Thị Hoài Thương thừa nhận việc đầu tư tiền để Nguyễn Kim Vui tổ chức khai thác vàng trái phép. Việc khai thác vàng có mua, sử dụng vật liệu nổ (VLN) để đánh đá nhưng mua ở đâu và sử dụng cụ thể như thế nào Thương không biết rõ. Số lượng VLN đã được mua và sử dụng là do Vui và Phèng biết, nhưng cả hai đều chết, không có căn cứ điều tra làm rõ, vì vậy, CQĐT chỉ quy kết trách nhiệm hình sự đối với Thương về hành vi “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ” đối với số VLN đã thu giữ. Bên cạnh đó, Thương cùng với Cụt Văn Hoanh, Cụt Văn Bình và Và Bá Nhìa bị khởi tố cùng tội danh “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”.

4 bị cáo tại phiên tòa.

Lãnh án

Dù gia đình có đến 3 người con bị chết, nhưng tại phiên xét xử, do điều kiện kinh tế khó khăn và đường sá xa xôi nên gia đình 3 nạn nhân không thể vào được mà ủy quyền toàn bộ cho luật sư bào chữa làm người đại diện hợp pháp. Còn gia đình nạn nhân Nguyễn Kim Vui có mẹ và vợ con đến dự. Tuy nhiên, tại phiên tòa, cho rằng đây là việc không may của chồng, con mình nên đại diện gia đình không có yêu cầu gì thêm.

Phát biểu tại phiên tòa, vị luật sư được ủy quyền cho gia đình 3 nạn nhân Sơn, Pheng, Ngọ cho rằng, đây là tai nạn đau lòng, là mất mát quá lớn đối với gia đình 3 nạn nhân. Song vị này nhìn nhận đây cũng là chuyện rủi ro, không ai muốn. Do vậy gia đình các nạn nhân cũng có sự đồng cảm, chia sẻ đối với bị cáo Văn Thị Hoài Thương. Cụ thể, trước đây gia đình 3 nạn nhân yêu cầu bồi thường tổng số tiền lên đến hơn 1,7 tỷ đồng (gồm tiền cấp dưỡng cho 10 đứa trẻ và cha mẹ già, tiền tổn thất tinh thần, tiền chi phí mai táng…), nhưng tại phiên tòa, đại diện cho gia đình bị hại chỉ yêu cầu bị cáo Thương phải bồi thường 166 triệu đồng (đã trừ số tiền mà gia đình bị cáo Thương khắc phục hậu quả trước đó hơn 50 triệu đồng). Đồng thời, đại diện phía gia đình cũng có lời xin giảm hình phạt đối với các bị cáo để sớm đoàn tụ với gia đình.

Bên cạnh đó, luật sư bào chữa đồng thời là người đại diện cho các gia đình nạn nhân cho rằng, thời gian qua có hàng trăm thanh niên quê Nghệ An vào Quảng Nam khai thác vàng trái phép, trong đó có nhiều người phải bỏ mạng. Do vậy, thay mặt gia đình nạn nhân, vị luật sư này mong muốn các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam tăng cường truy quét, đẩy đuổi hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để tránh những cái chết đau lòng như trên.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi sai trái của mình. Trong đó Văn Thị Hoài Thương cũng đã thành khẩn khai báo và cho rằng do tin lời thầy bói nên mới tiếp tục hoạt động khai thác vàng và lãnh lấy hậu quả đau lòng trên. Còn 3 bị cáo Hoanh, Nhìa và Bình đều là người Khơ Mú, trình độ hiểu biết thấp, đặc biệt trong lúc xảy ra vụ việc Bình chưa đến tuổi thành niên, do vậy nhận thức hành vi phạm tội của những bị cáo này có phần hạn chế…

Sau khi xem xét các yếu tố, HĐXX tuyên phạt bị cáo Văn Thị Hoài Thương 24 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”, 6 tháng tù về tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ”, tổng hình phạt cho 2 tội danh trên là 30 tháng tù; Cụt Văn Hoanh và Và Bá Nhìa cùng 9 tháng tù; Cụt Văn Bình 7 tháng 3 ngày cùng tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Do thời gian bị bắt tạm giam đến ngày xét xử đã đủ 7 tháng 3 ngày nên Cụt Văn Bình được thả tự do tại phiên tòa. Đồng thời, HĐXX yêu cầu gia đình bị cáo Thương tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả với số tiền còn lại là 166 triệu đồng cho gia đình 3 nạn nhân.

Bão Bình