Tỷ phú tàu không lưới

Thứ ba, 31/05/2022 16:10
Thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, thuyền trưởng kiêm chủ đội tàu chuyên đánh bắt hải sản trên ngư trường Hoàng Sa - anh Lê Văn Thiên (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được nhiều ngư dân quen gọi với cái tên thân mật: Tỷ phú tàu không lưới. Khác hẳn kiểu đánh bắt truyền thống, đội tàu “2 không” của anh (không lưới, không giàn đèn) mỗi chuyến về bờ hải sản luôn đầy khoang...
Niềm vui câu được cá của các thuyền viên đội tàu của anh Lê Văn Thiên.
Anh Lê Văn Thiên bảo dưỡng máy làm đá từ nước biển.

Thành công từ sở hữu công nghệ mới

Sau chuyến vươn khơi trở về cuối tháng 5-2022, khoang tàu cá ĐNa 90888TS cập cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà) của thuyền trưởng Lê Văn Thiên đầy ắp tôm, cá, mực. Như thường lệ, trước giờ tàu vào bến, anh đều điện thoại cho đầu mối thương lái thân quen đến thu mua hải sản. Nối đuôi con tàu này, 2 tàu cá “2 không” khác của anh Thiên mang ký hiệu ĐNa 91156TS, ĐNa 91158TS cũng lần lượt về bờ để thương lái bốc hàng trước khi ra neo đậu tại cảng sông Hàn vệ sinh phương tiện, chuẩn bị cho chuyến đi biển mới.

Chúng tôi lên tham quan 4 con tàu xa bờ của anh. Ban đầu nhìn vào, cứ nghĩ là những tàu hậu cần, thu mua hải sản, bởi các khoang tàu sạch sẽ đến lạ. Những dụng cụ thông thường dùng để đánh bắt cá cũng không hề có. Anh Thiên bảo, đội tàu của anh là tàu “2 không”: Không lưới, không giàn đèn. “Tất cả các tàu của chúng tôi, anh em đi biển đều làm nghề câu tay, chứ không dùng ngư lưới cụ. Với cách đánh bắt này, dàn đèn chiếu sáng như nhiều tàu cá khác cũng không cần đến” – anh Thiên nói. Rồi anh hồ hởi khoe về chiếc máy sản xuất đá trực tiếp từ nước biển – loại công nghệ hiếm có trên các tàu cá đánh bắt xa khơi hiện nay ở Việt Nam.

Năm 2019, sau khi khảo sát và nghe anh Thiên nói về quy trình đánh bắt cá của mình, một Cty của Nhật Bản đã tài trợ chiếc máy này. Sự hiện đại hiếm có của hệ thống máy là khi ra khơi xa, tới đúng độ sâu, độ mặn, máy mới hoạt động. Và chỉ sau 20-30 phút hút nước biển, máy sẽ cho ra những viên đá lạnh chạy thẳng xuống hầm tàu chứa cá. Trực tiếp sản xuất đá từ nước biển, chiếc máy không chỉ giúp con tàu của anh giảm được nhiều chi phí, mà cá còn được bảo quản tươi hơn do đá làm từ nước có độ mặn.

Về những con tàu không lưới, không dàn đèn, anh Thiên nhớ lại: Khoảng 12 năm trước, anh có cơ hội được chứng kiến các tàu cá của Indonesia đã làm và thấy rất hiệu quả. Câu tay, cá “chết trong đá” đảm bảo được độ tươi và chất dinh dưỡng, bán giá cũng cao hơn, nên anh quyết định từ bỏ nghề lưới vây. “Ngoài những tiện ích từ máy đá, mỗi lần đóng tàu, tôi đều yêu cầu thiết kế thêm hầm hút nước biển để nuôi cá sống. Bởi cá biển sống tự nhiên luôn được các nhà hàng “đặt cọc” ngay từ khi tàu xuất bến” – anh Thiên cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian dịch COVID-19 ảnh hưởng đến giá hải sản, nhưng chính nhờ hải sản tươi ngon trên những con tàu trở về từ ngàn khơi, hải sản của tàu anh Thiên vẫn đắt khách mua. Những tháng đầu năm 2022, nhờ du lịch mở cửa trở lại, nhu cầu về hải sản tăng nên các thuyền viên của đoàn tàu “2 không” của anh Thiên ai cũng hồ hởi vươn khơi bám biến, chờ gặt hái những khoang hải sản tươi ngon giữa trùng khơi…

Niềm vui câu được cá của các thuyền viên đội tàu của anh Lê Văn Thiên.

Chí lớn, thành công lớn

Như lời nhiều chủ tàu cá tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung biết về thuyền trưởng Thiên, có được ngày hôm nay, anh đã trải qua nhiều sóng gió. Những năm đầu đi biển, do chưa có kinh nghiệm tìm kiếm ngư trường, bảo quản hải sản nên tàu của anh liên tục thua lỗ. Có thời điểm anh đã bán tháo tàu công suất lớn để mua tàu nhỏ đi vùng lộng, vùng bờ, thậm chí, có lúc gia đình anh rơi vào hộ cận nghèo tại địa phương. Xong với chí lớn và khát vọng chinh phục biển khơi, anh quyết tâm vay mượn để đóng tàu tiếp tục vươn khơi bám biển. Ngoài tiền hỗ trợ của UBND thành phố Đà Nẵng, tiền tích cóp của gia đình, vay mượn của anh em họ hàng, anh còn được người bán gỗ đóng tàu cho nợ, người bán máy cũng cho khất hẹn trả dần. Làm ăn khấm khá, anh trả nợ rồi đóng tiếp tàu giao cho anh em, bạn bè làm thuyền trưởng để cùng nhau làm giàu.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, tháng 8-2021, cả thành phố bị phong tỏa, tàu thuyền cũng không xuất bến, anh em bạn tàu của anh Thiên ngoài được nuôi cơm cũng được trả lương cứng để nuôi vợ con ở quê. “Khi đó, người thì gửi về 5 triệu, nhiều thì chục triệu để giúp gia đình vượt qua khó khăn. Không ít anh em ngạc nhiên khi thấy tôi rộng rãi đối đãi với bạn thuyền, trong khi tiền nợ đóng 4 con tàu vẫn còn. Còn với bản thân mình, tôi nghĩ, dù sao mình cũng đã có của ăn, của để hơn bạn thuyền rất nhiều” – anh Thiên bộc bạch.

Anh Thiên cho biết, mỗi năm đội tàu 4 chiếc của anh được Nhà nước hỗ trợ 1,6 tỷ đồng tiền dầu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng số tiền ấy, anh chỉ giành riêng cho mình phân nửa, một nửa còn lại anh chia cho các bạn thuyền. Anh lí giải rằng: “Tàu của mình nhưng không có thuyền trưởng, máy trưởng và không có thuyền viên góp công thì cũng không thể ra khơi. Tiền này là tiền bảo vệ chủ quyền biển đảo, cả tàu đều đi thì không có lý do gì mình lại sử dụng hết, tiêu hết”.

Tấm lòng của vị thuyền trưởng này ai cũng nhìn thấy, hiểu rõ. Điển hình là căn nhà 3 tầng trong ngõ đường 29-3 của vợ chồng anh Thiên lúc nào cũng dành riêng một tầng làm chỗ ăn ở cho thuyền viên sau mỗi lần về bờ. Trước khi chia tay chúng tôi, anh Thiên chỉ chia sẻ một câu chuyện, rằng: “Khoảng 10 năm trước đây, tôi là hộ cận nghèo. Cũng nhờ được mọi người giúp đỡ, bạn thuyền góp sức nên nay có tàu, có xe, có nhà. Nên ngoài số tiền chia theo mỗi chuyến biển, tôi và vợ cũng không tiếc gì với bạn thuyền. Quan điểm là giúp được mọi người cái gì cứ cố gắng giúp hết sức. Bởi lẽ ở đời này, khi mình tử tế với người thì họ cũng tử tế lại với mình, thế thôi”.

Công Hạnh