UAE khởi động nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Arab

Thứ hai, 03/08/2020 15:43

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 1-8 thông báo vận hành nhà máy điện hạt nhân Barakah, nhà máy đầu tiên kiểu này tại các nước Arab.

Khi hoạt động đầy đủ, 4 lò phản ứng của nhà máy có khả năng tạo ra 5.600 megawatt điện, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu của quốc gia.   Ảnh: AFP

Cột mốc lịch sử

“Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Nhà máy Năng lượng hạt nhân Barakah đã khởi động thành công”, Hamad Alkaabi, đại diện UAE tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo trên Twitter. “Đây là một cột mốc lịch sử của quốc gia, dự kiến tạo ra một hình thức năng lượng sạch cho đất nước”, ông nhận định.

Cũng trên trang Twitter, Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum cho biết nhà máy điện hạt nhân Barakah “đã tiếp nhận các gói nhiên liệu hạt nhân đầu tiên, tiến hành các thử nghiệm toàn diện và hoàn tất thành công quá trình này”. Thủ tướng UAE cho rằng đây là “thành tựu lịch sử trong lĩnh vực năng lượng và đánh dấu mốc quan trọng trong lộ trình phát triển bền vững”.

UAE bắt đầu đưa các thanh nhiên liệu vào nhà máy Barakah từ tháng 2, sau khi các nhà qua n lý “bật đèn xanh” cho lò phản ứng đầu tiên trong số 4 lò phản ứng của nhà máy, mở đường cho các hoạt động thương mại. Dự kiến khi hoàn thiện, nhà máy nằm ở vị trí gần alHamra, bờ biển phía tây thủ đô Abu Dhabi của UAE, sẽ có 4 lò phản ứng với tổng công suất 5.600 MW, phục vụ 25% nhu cầu của nước này. Cty năng lượng Nawah cho biết tổ máy 1 sẽ bắt đầu hoạt động thương mại sau “một loạt thử nghiệm” trong quá trình vận hành. Trong quá trình này, tổ máy 1 sẽ kết nối với mạng lưới điện và phát điện đầu tiên.

Nhà máy điện hạt nhân Barakah do Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) xây dựng với chi phí khoảng 24,4 tỷ USD, từng dự kiến khai trương vào năm 2017 nhưng quá trình khởi động lò phản ứng hạt nhân đầu tiên nhiều lần bị trì hoãn do các quan chức cho rằng, công trình chưa đạt yêu cầu về quy chuẩn an toàn và chưa đáp ứng một số quy định pháp lý. Cùng với việc tạo ra điện có giá cạnh tranh, UAE cũng hy vọng nhà máy hạt nhân này sẽ nâng cao vị thế là một công ty chủ chốt trong khu vực.

Không làm giàu uranium

UAE có lượng dự trữ dầu và khí đốt rất lớn, nhưng với dân số 10 triệu người có nhu cầu sư dụng điện cao, nước này đã đầu tư rất lớn để phát triển các loại năng lượng sạch thay thế, trong đó có năng lượng Mặt trời.

Barakah là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong khu vực. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, từng lên kế hoạch xây dựng một nhà máy gồm 16 lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trong bối cảnh cuộc đối đầu căng thẳng giữa Iran và Mỹ về chương trình hạt nhân Tehran, UAE đã tuyên bố sẽ không phát triển chương trình làm giàu uranium hoặc công nghệ tái xử lý hạt nhân. UAE đã nhiều lần khẳng định tham vọng hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình của người Hồi giáo, xua tan mọi lo ngại về sự an toàn. UAE hoan nghênh hơn 40 đánh giá và kiểm tra quốc tế về nhà máy này.

AN BÌNH