UBND xã Duy Vinh có tự ý cho người dân đắp đập, ngăn sông?
(Cadn.com.vn) - Cuối tháng 12-2013, ông Nguyễn Đình Trường (1971, trú thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) đến Báo Công an TP Đà Nẵng gửi đơn kêu cứu, có nội dung: Năm 2004, ông cùng hai ông Nguyễn Văn Lên và Lê Văn Mười (cùng trú xã Duy Vinh) ký hợp đồng với UBND xã Duy Vinh xây dựng cầu phao Hà Mỹ-Đông Bình, thời hạn 9 năm 3 tháng. Mặc dù chưa hết thời hạn theo hợp đồng nhưng UBND xã Duy Vinh tự ý cho người dân thôn Đông Bình (xã Duy Vinh) đắp đập, ngăn sông mở đường đi. Việc làm này đã gây thiệt hại kinh tế cho các ông.
Cầu hư... |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 30-11-2004, UBND xã Duy Vinh giao thầu xây dựng, quản lý, thu phí qua cầu phao tuyến Hà Mỹ-Đông Bình cho các hộ Nguyễn Đình Trường, Lê Văn Mười, Nguyễn Văn Lên bắt đầu từ ngày 1-1-2005 đến 1-4-2014. Từ 6 giờ ngày 2-4-2014, toàn bộ tài sản cầu phao thuộc quyền sở hữu của UBND xã Duy Vinh, và có xem xét tạo điều kiện hỗ trợ cho 3 hộ trên được ưu tiên quản lý 5 năm sau (tính từ năm 2014) để thu lệ phí... Như vậy, thời gian thực hiện hợp đồng vẫn còn hiệu lực, tại sao UBND xã Duy Vinh vẫn đồng ý cho người dân thôn Đông Bình đắp đập, ngăn sông làm đường?
Trả lời câu hỏi này, ông Phan Công Nhanh, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết: Đông Bình giống như một đảo nhỏ nằm giữa 2 nhánh sông Thu Bồn và Trường Giang. Để đảm bảo việc đi lại cho người dân, năm 2004, UBND xã tổ chức đấu thầu xây dựng cầu phao bắt ngang nhánh sông Thu Bồn, nối từ thôn Hà Mỹ sang thôn Đông Bình và các ông Trường, Mười, Lên đã trúng thầu. Tuy nhiên, khi cơn bão số 11 đổ bộ (ngày 15-10-2013) vào Quảng Nam, chủ cầu phao không thực hiện đúng các yêu cầu của UBND xã, cụ thể: Sau cơn bão, UBND xã yêu cầu 3 hộ nhanh chóng sửa chữa, đến ngày 30-11-2013 phải đưa vào phục vụ việc đi lại song thời điểm hiện tại vẫn không được thực hiện.
phải lụy đò.... |
Trước thực trạng phải đi lại bằng đò ngang, các em học sinh thường trễ giờ học, người lao động bị trễ giờ làm..., nhất là lúc đêm tối, việc đi lại rất khó khăn nên người dân rất bức xúc. Không chịu được cảnh lệ thuộc, người dân thôn Đông Bình viết đơn xin đắp đập, ngăn sông làm đường đi. Mặc dù chưa được các cơ quan chức năng đồng ý nhưng họ vẫn tổ chức thi công. Trước sự việc như vậy, UBND xã mời 3 hộ chủ cầu phao đến làm việc và đề nghị tạm dừng việc sửa chữa cầu để tránh thiệt hại. Đồng thời, địa phương tạo điều kiện cho 3 hộ chuyển đổi ngành nghề bằng cách hỗ trợ mặt nước, xây dựng hồ nuôi tôm song họ không đồng ý.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Đình Trường, ông Nguyễn Văn Lên cho biết: Trong thời gian xây dựng, quản lý cầu phao, đến nay 3 hộ vẫn còn nợ ngân hàng 300 triệu đồng. Việc UBND xã tự tiện cho nhân dân đắp đập, làm đường đi đã gây thiệt hại lớn đến tài sản, đời sống của họ nên yêu cầu UBND xã phải giải quyết dứt điểm theo hướng đền bù thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra.
Có phải UBND xã Duy Vinh đồng ý cho nhân dân thôn Đông Bình đắp đập, ngăn sông, gây thiệt hại cho các chủ cầu phao?
Về việc này, ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đông Bình cho biết, toàn thôn Đông Bình có 340 hộ, với 1.400 nhân khẩu nhưng có đến 40% thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó phát triển vì không có đường giao thông. Hơn nữa, từ giữa tháng 10-2013, người dân càng bức xúc khi các chủ cầu phao không chịu sửa chữa cầu, buộc người dân phải đi lại bằng đò, vừa không đảm bảo giờ giấc, vừa nguy hiểm đến tính mạng nên nhân dân đồng lòng viết đơn, tự nguyện đóng góp tiền, công đắp đập, làm đường đi lại.
nên người dân thôn Đông Bình đồng lòng góp của, góp công làm đường đi. |
Còn theo ông Lê Hoặc, một người dân thôn Đông Bình, cho biết: dù các cấp chính quyền chưa cho phép nhưng nhân dân tự nguyện đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng, 5 ngày công xây dựng con đập chiều dài 300m, bề ngang mặt đường 9m để đi lại. Cũng theo ông Phan Công Nhanh: Dù chưa được các cơ quan chức năng cho phép nhưng xét thấy việc đắp đập, làm đường đi lại của nhân dân thôn Đông Bình là chính đáng, không ảnh hưởng đến dòng chảy, gây cản trở giao thông đường thủy nên chính quyền không can thiệp.
Với những tài liệu được thu thập và chứng kiến từ thực tế cho thấy: Người dân thôn Đông Bình đã quá bức xúc trước sự cách trở về mặt địa lý và sự lệ thuộc vào các phương tiện đi lại nên tự huy động tài sản, công sức để đắp đập ngăn sông, làm đường đi. Việc làm này dù chưa được các cơ quan chức năng cho phép song đã giúp người dân giảm bớt những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, điều đó đã ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi của các hộ Nguyễn Đình Trường, Nguyễn Văn Lên, Lê Văn Mười. Vì vậy, đề nghị UBND xã Duy Vinh và 3 hộ chủ cầu phao cần bình tĩnh, đưa ra cách giải quyết vừa thấu tình, đạt lý, tránh tình trạng tự suy diễn, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài làm ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.
Bài, ảnh: M.T