Ukraine - Một tương lai bất định

Thứ hai, 05/01/2015 11:40

(Cadn.com.vn) - Những chia rẽ và mâu thuẫn gay gắt Đông - Tây tiếp tục đe dọa tương lai của Ukraine.

Âm mưu cô lập Nga sẽ bất thành

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov ngày 4-1 cho rằng, âm mưu cô lập Moscow sẽ không thể hoàn thành và khẳng định: “Tổng thống Mỹ sẽ buộc phải thừa nhận điều đó”.  Trang VOR dẫn lời ông Pushkov nhấn mạnh, việc thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu, Nhóm BRICS triển khai hoạt động và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mở rộng trong tương lai sẽ ngăn cản sự cô lập Nga. 

Sau một năm xung đột, cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga quanh vấn đề Ukraine đang nằm ở đâu? Ai thắng, ai bại?

Tình hình xem ra vẫn phức tạp và khó đoán bởi bản thân chính quyền Kiev vẫn chưa xác định chính xác những mục tiêu của mình là gì. Thậm chí, Tổng thống Czech Milos Zeman cho rằng, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk là “thủ tướng chiến tranh”, không muốn một giải pháp hòa bình cho các vấn đề hiện nay.     

Trên thực tế, ngay những ngày đầu năm mới 2015, đông Ukraine tiếp tục chứng kiến màn đối đầu đẫm máu giữa phe nổi dậy và phe chính phủ. Đã có nhiều người thiệt mạng và bị thương.

Cái khó của Châu Âu...

Đầu tiên, Liên minh Châu Âu (EU), chủ yếu là Đức, sẽ giúp Kiev trả nợ khí đốt cho Nga để giữ nguồn cung cấp qua mùa đông. Thứ hai, Nga sẽ tiếp tục cung cấp nguồn xăng dầu cho các quốc gia Tây Âu vì lợi ích thương mại trước mắt của cả hai. Moscow cần doanh thu, đặc biệt là kể từ khi giá dầu xuống thấp trong khi Châu Âu, đặc biệt là Đức, cần nhu cầu khí đốt, mà không thể dễ dàng thay thế.

Theo tờ Globalist, vấn đề thứ ba - xem ra vừa là tin vui vừa là tin buồn đối với Điện Kremlin - khi các sự kiện gần đây nhắc nhở những người Châu Âu rằng, họ vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vốn cung cấp cho 1/3 tổng lượng toàn EU, và 100% nhu cầu khí đốt ở một số nước Đông Âu. Nhưng EU đang chuẩn bị - một cách chậm rãi và nguyên tắc - đa dạng hóa nguồn cung và giảm việc sử dụng khí đốt. Theo đó, nguồn cung khí đốt của Nga có thể giảm 1/3 trong vòng 5 năm. Đó là lý do tại sao Moscow đang đa dạng hóa thương mại khí đốt sang Châu Á - bước đi hoàn toàn hợp lý và sáng suốt.

Thứ tư, việc trừng phạt Nga tiếp tục là vấn đề gây chia rẽ Châu Âu. Một nhóm ủng hộ Nga mạnh mẽ vẫn đang cố thủ tại Đức, mặc dù đang chịu áp lực phải cô lập Moscow. Các nhóm ở Hungary và Bulgaria tin rằng, lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow là nguyên nhân khiến Điện Kremlin quyết định từ bỏ dự án Dòng chảy Phương Nam, trong đó có thể giúp đưa khí đốt từ Nga sang Châu Âu nhanh và dễ dàng hơn. Thay vào đó, Moscow sẽ phát triển việc buôn bán khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ, mà theo thời gian có thể tạo cho họ vai trò thống trị tại thị trường Địa Trung Hải.

Có thể thấy, liên kết thương mại mạnh mẽ giữa Nga với Châu Âu, được xây dựng trong vòng 25 năm qua, đang bị xói mòn. Moscow đang ngập tràn hạnh phúc hướng về Đông hơn là hướng Tây.

Ukraine nổ ra xung đột ngay trong những ngày đầu năm 2015. Ảnh: CNN

...và cái lo của Ukraine

Ukraine hiện đang nỗ lực gia nhập EU – động thái khiến Nga nổi giận. Nhưng rồi, giới phân tích cho rằng, Ukraine sẽ không trở thành một thành viên của NATO, hay EU, hoặc bất kỳ tổ chức nào của phương Tây.

Bởi không ai muốn ôm về một quốc gia đang xung đột đẫm máu,  khó quản lý và tràn ngập tham nhũng như Ukraine. Thật tình cờ, một vùng đệm mới giữa Đông và Tây đã được tạo ra. Sự tồn tại của cái vùng đệm này chính là lời nhắc nhở rằng, khoảng trống giữa hai bên chưa  bao giờ được lấp đầy thậm chí sau 25 năm chung sống hòa bình kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ. Không có niềm tin. Mối quan hệ thương mại hiện nay giữa Nga và Châu Âu sẽ giảm. Cả hai bên đều sống trong hình thức hòa bình đông lạnh, đang nằm đâu đó của cuộc xung đột ở Ukraine.

Nhưng vẫn mong rằng, 2015 sẽ là năm hòa dịu ở Châu Âu.

Khả Anh