Ukraine “ngày chiếm giữ”

Thứ bảy, 25/01/2014 09:35

(Cadn.com.vn) - Người biểu tình Ukraine ngày 24-1 chiếm giữ tòa nhà chính phủ ở thủ đô trong khi vẫn vây hãm văn phòng thống đốc một số tỉnh phía Tây, gia tăng áp lực lên chính phủ.

Sau cuộc họp với Tổng thống Viktor Yanukovych trong vài giờ cuối cùng ngày 23-1, các lãnh đạo đối lập nói với đám đông biểu tình ủng hộ rằng, nhà lãnh đạo Ukraine cam kết sẽ thả hàng chục người biểu tình bị bắt giữ đồng thời ngừng việc bắt giữ thêm.

Cảnh sát Ukraine lập hàng rào đối phó với người biểu tình. Ảnh: AP

Lung lay thỏa thuận ngừng bắn

Tuy nhiên, các thủ lĩnh này vẫn kêu gọi những người biểu tình duy trì thỏa thuận ngừng bắn đang bị lung lay sau trận chiến đường phố bạo lực ở thủ đô.

Hiện, các thỏa thuận ngừng bắn đã thành hiện thực nhưng người biểu tình ngày 24-1 đột nhập vào tòa nhà trung tâm của Bộ Chính sách Nông nghiệp. “Chúng tôi phải giữ ấm cho mọi người trong thời tiết sương giá”, người biểu tình Andriy Moiseenko biện hộ. Những người biểu tình ngăn không cho các nhân viên của bộ đi làm nhưng cho họ vào lấy tài sản. Động thái này diễn ra sau vụ bắt giữ các thống đốc địa phương ở một số khu vực phía Tây vào đêm 23-1, trong làn sóng chống chính phủ mới.

Theo đó, khoảng 1.000 người biểu tình tấn công các văn phòng một số thống đốc khu vực miền Tây. Họ hô vang khẩu hiệu “cách mạng”, đồng thời kêu gọi Thống đốc vùng Lviv – gần biên giới với Ba Lan – ông Oleg Salo từ chức. Những người biểu tình đẩy lui các nhân viên bảo vệ và xông vào tòa nhà, tìm kiếm ông Salo... Sau khi tìm thấy ông này, họ tổ chức bao vây và cho biết sẽ không trở về cho đến khi ông Salo từ chức. Thống đốc Salo sau đó phải ký đơn từ chức và giao cho người biểu tình.

Đứng giữa ngã ba đường

Vào cuối tháng này, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất Châu Âu sẽ gặp nhau tại Đức, thảo luận các vấn đề cấp bách về hòa bình và an ninh ở lục địa già. Trong số này, vấn đề ưu tiên là cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine giữa chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych và một liên minh lỏng lẻo của lực lượng đối lập.

Vòng bất ổn chính trị mới nhất của Ukraine bắt đầu vào tháng 10, khi ở phút cuối cùng, ông Yanukovych quyết định không ký thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với EU vốn giúp mở cửa thị trường  đối với xuất khẩu nước nhà. Với đám đông người biểu tình từ vài trăm lên đến vài ngàn người, cuộc khủng hoảng biểu tình lại một lần nữa nhấn chìm Ukraine. Giới phân tích cho rằng, các cuộc biểu tình cho thấy sự biến động liên tục của nền dân chủ Ukraine.

Giờ đây, sau hơn 2 tháng, bế tắc vẫn phủ bóng chính trường Ukraine. Câu hỏi đặt ra là liệu Kiev có thể tìm ra con đường để kết thúc bế tắc một cách hòa bình. Sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Yanukovych, thủ lĩnh đảng Đất mẹ đối lập Arseniy Yatsenyuk nhận định, cơ hội tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia này là “rất cao”. Tuy nhiên, người ta vẫn tỏ ra hoài nghi cho thành công của cuộc đàm phán giữa các thủ lĩnh đối lập và Tổng thống Yanukovych. Nhiều quốc gia lo ngại, Kiev sẽ tiếp tục trấn áp gây đổ máu và tiếp tục làm bùng phát biểu tình. Một vòng tròn luẩn quẩn.

Nhưng ai cũng hy vọng rằng, câu trả lời sẽ thật trọn vẹn, mở toang các cánh cửa cho việc đối thoại và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Ukraine.

Khả Anh