Ukraine sau việc cho Nga tiếp tục thuê căn cứ Sevastopol

Thứ hai, 26/04/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Việc Tổng thống Ukraine Victor Yanukovich và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 21-4 tại Kharkov (Kiev) ra tuyên bố chung hai nước quyết tâm khôi phục quan hệ đối tác chiến lược song phương; ký thỏa thuận cho Nga thuê căn cứ hải quân ở cảng Sevastopol cho đến năm 2042; đổi lại, Moscow đồng ý bán khí đốt giá rẻ cho Kiev;  đã làm dấy lên làn sóng phản đối tại nước này.

Phe đối lập Ukraine gồm Khối Yulia Timoshenko (BYUT) do cựu Thủ tướng cùng tên đứng đầu và đảng “Ukraine của chúng ta” (NU), do cựu Tổng thống Victor Yushchenko đứng đầu, đã phản đối mạnh mẽ thỏa thuận Ukraine - Nga về việc gia hạn 15 năm sự hiện diện Hạm đội Biển Đen (HĐBĐ) Nga trên lãnh thổ Ukraine. Thủ lĩnh BYUT, bà Yulia Timoshenko tuyên bố: khối BYUT sẽ thu thập đủ 150 chữ ký của các đại biểu nhằm triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội Ukraine vào những ngày tới để thảo luận về hiệp định trên. Bà Timoshenko kêu gọi lãnh đạo tất cả các lực lượng chính trị đối lập ký “Tuyên bố chung nhằm bảo vệ Ukraine” và kêu gọi dân chúng kéo về trụ sở Quốc hội nhằm ủng hộ những nghị sĩ phản đối thỏa thuận Ukraine - Nga liên quan đến HĐBĐ.

Trong khi đó, NU ra tuyên bố đòi bãi miễn Tổng thống Victor Yanukovich do đã ký hiệp định nhằm gia hạn 25 năm sự có mặt của HĐBĐ  trên lãnh hải Ukraine. NU và BYUT đều cho rằng, việc ký hiệp định trên là hành động trái với Hiến pháp của Ukraine. Ngày 24-4, hàng ngàn người Ukraine đã biểu tình trước trụ sở quốc hội, phản đối thỏa thuận cho phép Nga duy trì căn cứ của HĐBĐ tại Sevastopol thuộc bán đảo Krym thêm 25 năm nữa. Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đã gọi thỏa thuận này là “một nỗi hổ thẹn và phản bội tổ quốc chưa từng có tiền lệ”. Quốc hội Ukraine dự kiến sẽ phê chuẩn thỏa thuận trên vào ngày 27-4 trong khi phe đối lập tuyên bố sẽ tìm cách ngăn chặn cuộc biểu quyết. Theo các nhà quan sát, sự kiện đó sẽ là nhân tố để cho phe đối lập, nhất là cựu Thủ tướng Tymoshenko, có cớ tập hợp lực lượng chống chính quyền do Tổng thống Yanukovich.

Người ta cũng không loại trừ khả năng cả BYUT và NU quay trở lại  thành một liên minh thống nhất để tiến hành vòng hai cuộc “Cách Mạng Cam” mà họ vừa thất bại một cách cay đắng trong cuộc bầu cử hồi đầu năm. Tuy nhiên, sức mạnh của đảng các khu vực do Tổng thống Yanukovich lãnh đạo cũng không phải là nhỏ, nhất là chiếm đa số trong quốc hội, rất dễ dàng thông qua các văn kiện vừa ký kết với Nga.

Tàu tên lửa Moskva của Nga neo đậu tại cảng Sevastopol Ukraine. Ảnh: AP 

Rõ ràng đây cũng là phép thử đầu tiên mà chính quyền của ông Yanukovich phải tìm cách vượt qua để thể hiện bản lĩnh, năng lực và uy tín của mình trên chính trường Ukraine. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp không chính thức cấp ngoại trưởng NATO ở Tallin (Estonia), ngày 22-4, Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen khẳng định hiệp định Ukraine-Nga về việc gia hạn 25 năm sự hiện diện của HĐBĐ tại Biển Đen thuộc Ukraine không ảnh hưởng đến quan hệ của NATO với Kiev và Moscow vì đây là văn kiện mang tính chất song phương. Ông Rasmussen cho rằng, hiệp định này cũng không phải là rào cản trên con đường Ukraine có thể gia nhập NATO trong tương lai, mặc dù khối này đã quy định một nước muốn gia nhập NATO phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, trong đó có quy định không có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ.

Ngày 24-4, tại bán đảo Krym đã diễn ra cuộc tập trận quy mô của HĐBĐ với sự tham gia của hơn 15 tàu chiến cùng các máy bay và trực thăng hải quân. Hoạt động bắn tên lửa được thực hiện trên thao trường trong khu vực phía Tây Krym. Các đơn vị đã phóng tên lửa có cánh tiêu diệt tàu chiến giả định của đối phương và các mục tiêu đều đã bị loại trực tiếp.
Cùng ngày, Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói rằng, Moscow sẽ không dùng khí đốt để đổi lấy các căn cứ quân sự trên thế giới, như thỏa thuận tương tự mà Nga vừa đạt được với quốc gia láng giềng Ukraine. Moscow đã đồng ý giảm 30% giá khí đốt bán cho Ukraine để đổi lấy việc Kiev gia hạn thêm 25 năm thời gian cho Nga thuê căn cứ Sevastopol của HĐBĐ tại Bán đảo Krym. Thủ tướng Putin nói: “Chúng tôi có nhiều đối tác trong lĩnh vực năng lượng. Nga không cần xây dựng các căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Tôi sẽ đề nghị các đối tác của Nga không tiếp cận chúng tôi với những yêu cầu tương tự như vậy. Krym là trường hợp đặc biệt”.

Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo báo chí cho biết, Thủ tướng Vladimir Putin sẽ thăm Ukraine từ hôm nay (26-4). Chuyến thăm của ông Putin diễn ra trước khi quốc hội hai nước thông qua thỏa thuận được Tổng thống Nga Medvedev và người đồng cấp Ukraine Yanukovich ký tuần trước. Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ chương trình hoạt động của ông Putin trong thời gian ở thăm nước này.

Lê Minh Châu