Ukraine tìm điểm yếu của Nga trước cuộc phản công
Ukraine bác tin Nga kiểm soát 80% Bakhmut Ngày 12-4, Nga và Ukraine đã tranh cãi gay gắt về việc lực lượng của Moscow đã giành quyền kiểm soát bao nhiêu vùng lãnh thổ ở thành phố Bakhmut, trong bối cảnh đây là tâm điểm của nỗ lực tiến công của Nga ở miền Đông Ukraine. Theo quân đội Ukraine, tuyên bố của ông Yevgeny Prigozhin - Người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner - cho rằng lực lượng này đã kiểm soát hơn 80% thành phố Bakhmut là không đúng sự thật. Trong một bình luận với Reuters, Serhiy Cherevatyi, người phát ngôn của Bộ chỉ huy quân sự miền Đông Ukraine, đã bác bỏ tuyên bố của ông Prigozhin. "Tôi vừa liên lạc với chỉ huy của một trong các lữ đoàn đang bảo vệ thành phố. Tôi có thể tự tin nói rằng lực lượng phòng thủ Ukraine vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ của Bakhmut", ông Cherevatyi nói. |
Tại một vị trí chiến hào chỉ cách phòng tuyến của quân Nga hơn một km tại Donetsk, binh sĩ Ukraine sử dụng máy bay không người lái thương mại để giám sát lực lượng Nga, xác định các điểm yếu và lên kế hoạch tấn công phá hủy các công sự của đối phương. "Chúng tôi đang điều tra họ", binh sĩ có mật danh Boxer nói, mô tả các hoạt động nhằm xác định vị trí chiến đấu của Nga và đánh giá khả năng đáp trả của Moscow. "Dĩ nhiên là họ cũng có những hoạt động tương tự với chúng tôi", người này cho biết. Theo Boxer, những hoạt động nhỏ sẽ giúp đơn vị của anh chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện khi chờ đợi phương Tây cung cấp thêm đạn dược và những phương tiện hạng nặng. "Nếu ngăn được Nga gia cố tuyến phòng thủ, chúng tôi có thể đẩy lùi họ dễ dàng hơn".
Đóng quân bên ngoài thị trấn Bakhmut, một chỉ huy của Ukraine có mật danh Metis cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra năng lực phòng thủ của Nga trong thời gian qua. "Chúng tôi thấy tân binh Nga mới được huy động tới đang đào phòng tuyến và họ đang củng cố vị trí khá tốt", Metis, người giám sát việc lập kế hoạch tấn công và trinh sát cho đơn vị, cho biết. Trong một nhiệm vụ gần đây, Ukraine sử dụng UAV để phát hiện các bãi mìn của Nga trước khi Kiev cử 2 đơn vị nhỏ tới gần tiền tuyến. Họ có nhiệm vụ xem xét khả năng ứng phó của Nga nếu kịch bản tấn công xảy ra.
Cuộc phản công mùa xuân tiềm tàng đã được coi là cơ hội quyết định của Ukraine trong năm nay để giành lại những vùng lãnh thổ do lực lượng Nga nắm giữ. Tuy nhiên, chiến dịch này đã bị trì hoãn do thời tiết, việc cung cấp thiết bị chậm và khan hiếm đạn dược, làm dấy lên lo ngại về sự bế tắc. Vụ rò rỉ hàng chục tài liệu quân sự và tình báo của Mỹ, bao gồm nhiều chi tiết về tình trạng và khả năng của quân đội Ukraine, trong đó có cả những điểm yếu phòng không, có thể buộc các chỉ huy phải thay đổi kế hoạch phản công. Nếu Kiev không thể giành lại những vùng lãnh thổ quan trọng và tiếp tục được phương Tây ủng hộ, nhiều người Ukraine lo lắng rằng họ sẽ bị buộc phải đàm phán với Nga từ một vị trí bất lợi.
Metis thừa nhận rằng sự thành công của các hoạt động thăm dò phía Nga không có nghĩa là đơn vị của anh đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công toàn diện. Họ vẫn đang chờ thêm thiết bị hạng nặng, xe bọc thép để di chuyển số lượng lớn binh lính lên phía trước và huấn luyện nhiều hơn.
Viện trợ của phương Tây đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các lực lượng Ukraine đẩy lùi quân đội Nga khỏi khu vực Đông Bắc Kharkiv và một phần Kherson ở miền Nam vào năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ đó, trận chiến chậm lại, kéo dài, và không rõ liệu sự hỗ trợ bổ sung có đủ để phá vỡ thế bế tắc hay không. Ở một số khu vực Ukraine mà Nga đang kiểm soát, hiện tại họ đã thiết lập và củng cố được hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt.
Giới chuyên gia cảnh báo, để phản công thành công ở một khu vực, Ukraine cần chuẩn bị tiềm lực gấp ít nhất 3 lần đối phương để tạo ra lợi thế. Ukraine đã có sự chuẩn bị, tuy nhiên vấn đề về nguồn lực khí tài quân sự sẽ là bài toán khó mà họ cần giải trước khi bắt đầu bất cứ cuộc phản công nào.
Mỹ xác nhận hiện diện quân sự ở Ukraine Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 12-4 xác nhận, một nhóm nhỏ quân sự của Mỹ hiện diện ở Ukraine, nhưng không tham chiến. "Tôi không muốn đề cập đến số lượng cụ thể, nhưng có một nhóm nhỏ quân sự của Mỹ hiện diện tại Đại sứ quán ở Kiev cùng với văn phòng tùy viên quốc phòng, để giúp chúng tôi giải quyết việc đưa tài liệu ra vào Ukraine", ông Kirby cho hay. Tuy nhiên, ông Kirby nhấn mạnh, lực lượng này không tham gia vào các hoạt động trên chiến trường Ukraine. "Không có bất cứ thay đổi nào đối với cam kết của Tổng thống Biden về việc không triển khai quân đội chiến đấu trong cuộc xung đột tại Ukraine", ông nói. Xác nhận của ông Kirby đưa ra sau khi Guardian dẫn các tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ cho biết, tính đến ngày 1-3, gần 100 lính đặc nhiệm NATO, trong đó có 50 binh sĩ Anh, 14 binh sĩ Mỹ và 15 lính Anh, hoạt động ở Ukraine. Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây khẳng định không phải bên tham chiến, mà chỉ hỗ trợ quân sự giúp Kiev tự vệ. |
AN BÌNH
Dòng sự kiện:Cuộc xung đột Nga-Ukraine
Nga phản ứng về vụ Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS
Ông Putin cảnh báo đanh thép về khả năng Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa
Ông Trump tuyên bố sẽ nỗ lực mạnh chấm dứt xung đột Nga – Ukraine
Phương Tây chấp nhận thực tế Ukraine có thể phải nhượng lãnh thổ
An ninh Ukraine đánh bom xe ám sát sĩ quan cấp cao của Hải quân Nga ở Crimea