Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý bệnh viện
(Cadn.com.vn) - Ngày 6-11, tại TP Đà Nẵng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Diễn đàn "Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý bệnh viện". Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, bà Anna Frisch, Giám đốc chương trình Y tế GIZ và gần 150 đại biểu là các chuyên gia của GIZ; Ban quản lý dự án Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế, các bệnh viện của các tỉnh Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên và TP Đà Nẵng.
Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia y tế, lãnh đạo các Sở Y tế, các bệnh viện cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm những công nghệ, mô hình mới trong công tác quản lý bệnh viện. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố cần chủ động triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp trong quản lý bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người dân. Trong thời gian tới, chương trình y tế của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức sẽ tiếp tục phối hợp, giúp các địa phương hoàn thành giai đoạn 2 của dự án; đồng thời nhân rộng dự án này ra các tỉnh, thành phố trên cả nước; nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhằm cải thiện sức khỏe của nhân dân...
Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện và kê đơn thuốc điện tử nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. |
Tại Diễn đàn, các đại biểu nghe báo cáo về thành công bước đầu trong quản lý chất lượng bệnh viện tại 5 tỉnh thuộc dự án "Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh": Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Phú Yên. Đồng thời, cùng thảo luận, trao đổi các nội dung về thực trạng và định hướng áp dụng một số công nghệ trong quản lý bệnh viện ở Việt Nam, ứng dụng hệ thống thông tin trong quản lý bệnh viện...
Nhiều đại biểu cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là CNTT trong quản lý bệnh viện Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, kém xa nhiều nước trên thế giới. Tại các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay mới dừng lại ở việc khai thác công việc văn phòng, thống kê, báo cáo. Bên cạnh đó, tại một số bệnh viện mới chỉ ứng dụng được từng phần riêng lẻ như quản lý nhân sự, viện phí, quản lý kho dược, bệnh nhân ra vào viện và chỉ có một số ít bệnh viện triển khai quản lý đồng bộ tới người bệnh trong toàn bộ quá trình điều trị.
Hệ thống thông tin trong các cơ sở khám chữa bệnh còn yếu so với các ngành dịch vụ khác, chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước và nhu cầu về dịch vụ y tế ngày càng cao của nhân dân. Tiến sỹ Trần Quý Tường, Giám đốc dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh cho biết: Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý bệnh viện là yêu cầu cấp bách nhằm giải quyết những thách thức đặt ra cho ngành y tế, góp phần giảm tải bệnh viện, giảm những thủ tục rườm rà không cần thiết, rút ngắn thời gian khám bệnh.... đặc biệt là tại các bệnh viện lớn trên cả nước.
Các đại biểu đã nhất trí tăng cường việc ứng dụng CNTT hiện đại, nhất là CNTT trong quản lý bệnh viện, theo hướng tăng cường quản lý hoạt động bệnh viện dựa trên hệ thống quản lý áp dụng tin học, tăng cường năng lực hoạt động của cán bộ, giúp người quản lý nắm bắt thông tin nhanh, chính xác; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ bớt các hoạt động trung gian, tạo điều kiện cho các dịch vụ khám chữa bệnh nhanh chóng, thuận tiện và kịp thời; thống nhất dữ liệu cho hoạt động quản lý ngành.
Theo đó trong thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện; xây dựng các chuẩn ngành, chuẩn bệnh án điện tử, y bạ điện tử quốc gia và ứng dụng rộng khắp tại các cơ sở y tế trên cả nước; xây dựng giải pháp trên nền tảng điện toán đám mây. Bên cạnh đó, triển khai mô hình quản lý bệnh viện tiên tiến ở các bệnh viện nhằm khai thác tối đa nguồn lực y tế hiện có, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp, dễ dàng mở rộng quy mô hoạt động, duy trì chất lượng dịch vụ cộng đồng.
Đồng thời, tập trung phát triển Trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Y tế, xây dựng hệ thống tích hợp thông tin báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, đẩy mạnh việc xã hội hóa trong việc xây dựng phát triển CNTT y tế; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập trao đổi kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ mới.
Bà Anna Frisch, Giám đốc chương trình Y tế GIZ cho biết: Tổ chức Hợp tác phát triển Đức sẽ nỗ lực giúp đỡ Việt Nam hoàn thành giai đoạn 2 của dự án "Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh", hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực của các Sở Y tế và các đơn vị y tế tuyến dưới trong quản lý y tế hiệu quả và cung cấp dựa trên nhu cầu các dịch vụ y tế có chất lượng, tập trung vào dịch vụ y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại nhằm thúc đẩy hơn nữa ứng dụng CNTT hiện đại tại các bệnh viện ở Việt Nam...
Đ.N