Ứng dụng mạnh công nghệ thông tin khi “mở cửa”

Thứ hai, 27/09/2021 08:20

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, sau thời gian “đóng cửa” chống dịch đạt những hiệu quả khả quan, Đà Nẵng sẽ “mở cửa” TP trong những ngày tới. Trong giai đoạn này, nhằm vừa kiểm soát dịch bệnh vừa đảm bảo đời sống an sinh cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, TP sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua quản lý mã QR Code. 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý các hoạt động khi chuyển trạng thái phòng chống dịch mới.  

Kiểm soát được chuỗi lây nhiễm mới

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP cho biết, trong ngày 26-9, Đà Nẵng ghi nhận 8 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 1 ca trong cộng đồng. Cụ thể, trong 8 ca mắc mới có 6 F1 liên quan chuỗi hộ gia đình, 1 ca trong khu phong tỏa đường Đống Đa (P. Thuận Phước, Q. Hải Châu) và 1 ca lấy mẫu đại diện hộ gia đình kiệt 368, đường Hoàng Diệu (P. Bình Thuận, Q. Hải Châu), có 2 lần xét nghiệm âm tính ngày 10 và 15-9. Hiện các chuỗi lây nhiễm này đều đã được kiểm soát. Trước đó ngày 25-9, TP ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 đã được cách ly từ trước. Tính từ 10-7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.660 ca mắc COVID-19. 

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh- Giám đốc CDC Đà Nẵng, trong ngày 26-9, các đơn vị y tế tổ chức xét nghiệm cho 73.958 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho 72.580 lượt, test nhanh cho 1.378 người. Hiện đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm 50% đại diện hộ gia đình đợt 8 cho 159.484 lượt người, phát hiện 1 F0. Các bệnh viện trên địa bàn TP đang điều trị cho 497 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong ngày 26-9 có 76 bệnh nhân xuất viện, 1 bệnh nhân chuyển viện và 1 bệnh nhân tử vong; các cơ sở y tế tiêm 22.362 liều vaccine phòng COVID-19, cộng dồn đến nay đã tiêm 756.489 liều, trong đó 673.590 người tiêm mũi 1 và 82.908 người tiêm mũi 2.
Hiện 47/56 phường, xã đạt “vùng xanh”. Cụ thể, H. Hòa Vang có 10 xã; Q. Sơn Trà có 7 phường; Q. Ngũ Hành Sơn có 4 phường; Q. Hải Châu có 9 phường; Q. Thanh Khê có 10 phường; Q. Cẩm Lệ có 5 phường; Q. Liên Chiểu có 2 phường. Bên cạnh các “vùng xanh”, TP còn 12 khu vực phong tỏa với 572 hộ, 1.968 nhân khẩu.

Mỗi người dân có một mã QR Code

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-TP chiều 26-9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng qua xét nghiệm đợt 8 vẫn phát hiện 1 ca F0 ngoài cộng đồng và các ca nhiễm khác trong khu vực phong tỏa cho thấy dịch bệnh vẫn có nguy cơ tái phát. “Vì thế, các đơn vị, địa phương phải nhận thức rõ đây không phải lúc thư giãn mà phải tập trung cao độ, không chủ quan, lơ là nhất là các địa phương đã đạt vùng xanh. Lần xét nghiệm qua chúng ta chỉ xét nghiệm 50% đại diện hộ gia đình nhưng nguy cơ vẫn còn. Sắp tới khi TP mở cửa, người từ ngoài TP vào đông hơn nên nguy cơ sẽ cao hơn”, ông Quảng nhấn mạnh đồng thời yêu cầu ngành Y tế tiếp tục xây dựng kế hoạch xét nghiệm tầm soát mới để triển khai trong thời gian tới.

Người dân sẽ sử dụng mã QR Code để tham gia vào các hoạt động khi Đà Nẵng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, TP chuẩn bị mở lại các hoạt động trong thời gian tới. Hiện, TP đã chuẩn bị sẵn các phương án nhưng đang chờ hướng dẫn chính thức của Trung ương cũng như Bộ Y tế về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ ban hành quyết định ngay để tổ chức triển khai thực hiện. “Khi TP chuyển sang trạng thái phòng chống dịch mới, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại bắt buộc phải đảm bảo điều kiện phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; phải có biện pháp, thiết bị kiểm soát người khi đến các địa điểm. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân phải thực hiện việc khai báo và sử dụng mã QR Code khi tham gia kinh doanh dịch vụ, học tập, làm việc…”, ông Quảng cho hay.

 Ông cũng cho biết thêm, TP sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả trong phòng chống dịch. Cụ thể, sẽ kiểm soát chặt người ra vào TP, bắt buộc người dân phải sử dụng mã QR Code khi di chuyển. TP đã giao Sở TT-TT xây dựng ứng dụng để từng người dân tham gia khai báo điện tử về tất cả các nội dung liên quan đến phòng chống dịch trên ứng dụng và hệ thống sẽ cấp mã QR Code tự động. “Mục tiêu của việc này là nhằm kiểm soát, đánh giá được người vào TP là người có nguy cơ hay không; đồng thời để truy vết nếu sau này xuất hiện các trường hợp dương tính. Nếu trường hợp nào khai báo gian dối, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch chung của TP thì sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Quảng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng nhìn nhận, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ nên người dân cần chung tay cùng TP phòng chống, không được lơ là, chủ quan. Trong bối cảnh này, TP chấp nhận rủi ro để mở lại các hoạt động nhằm đảm bảo an sinh tốt hơn cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi kèm với việc mở cửa, TP cũng chủ động các nền tảng ứng phó dịch bệnh. 

Để công tác tiêm vaccine đạt hiệu quả, bà đề nghị các quận, huyện phối hợp với ngành Y tế rà soát và nhập chính xác số liệu người được tiêm vaccine để đảm bảo độ bao phủ mũi 1 và hoàn thành tiêm mũi 2. “Ngành Y tế phải ưu tiên phân bổ vaccine để các quận triển khai tiêm cho người dân các phường đang là điểm nóng nhằm phủ vaccine càng cao càng tốt; đồng thời tập trung tiêm cho các phường chưa đạt được so với tỷ lệ mặt bằng chung của TP (73%). Hiện có những phường, nhất là tại Q. Liên Chiểu độ bao phủ vaccine rất thấp, chỉ hơn 50%”, bà Yến cho hay.

PHI NÔNG