Ứng phó với siêu bão Haiyan: Hàng chục vạn người dân phải sơ tán

Thứ bảy, 09/11/2013 12:40

(Cadn.com.vn) - Chiều 8-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan. Thủ tướng đánh giá, đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử tiến vào biển Đông và đổ bộ vào nước ta.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng, cử 2 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão Haiyan.

Hoãn tất cả các cuộc họp

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã ra công điện, thông báo chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với siêu bão Haiyan. Các tỉnh ven biển đã chuẩn bị phương án sơ tán, di dời dân khi có bão, mưa lớn, lũ. Sớm nhất, tỉnh Quảng Ngãi đã lên phương án sẵn sàng triển khai di dời, sơ tán 54.050 hộ/216.000 khẩu. Trong đó, đặc biệt chú trọng 5.189 hộ/ 21.370 khẩu ở vùng dễ bị tổn thương do thiên tai như vùng ngập lụt, sạt lở đất, vùng hạ du công trình thủy điện. Các địa phương, quân đội sẽ kiên quyết sơ tán, thậm chí cưỡng chế đối với ngư dân, tuyệt đối không cho người ở lại trên các phương tiện tàu thuyền trên sông, biển, bè lồng nuôi cá.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay đi vào biển Đông và đổ bộ vào nước ta. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị phải tập trung thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân. Từ sáng hôm nay (9-11), tất cả các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Cà Mau hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung lực lượng sát cánh cùng nhân dân ứng phó bão.

Tàu thuyền tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang chiều 8-11. Ảnh: HOÀNG ANH

Vấn đề Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt quan tâm là công tác di dời dân phải được triển khai quyết liệt trong hôm nay với 3 cơ quan chủ lực là Quân đội, Công an và Đoàn Thanh niên. “Đến 19 giờ chiều hôm nay (8-11), tất cả các địa phương phải hoàn thành công tác sơ tán dân. Ưu tiên hàng đầu là người dân các vùng ven sông, ven biển, hạ du của các thủy điện”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan chức năng quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn giao thông và chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đến chiều 8-11, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn cho 298 tàu và 4.053 lao động khu vực miền Trung thoát ra khỏi vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 8 – 16. Cụ thể, Quảng Ngãi 126 tàu/2.701 lao động, Bình Định 155 tàu/1.212 lao động, Phú Yên 17 tàu/140 lao động. Các tàu này hiện đã neo đậu tại các đảo ở quần đảo Trường Sa hoặc đang di chuyển vào bờ. Ngoài ra, còn 105 tàu/835 lao động của các tỉnh miền Trung đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cũng đã biết thông tin về bão Haiyan để chủ động tìm nơi trú tránh.

Tàu thuyền ngư dân Đà Nẵng đã an toàn tại âu thuyền Thọ Quang hoặc trên bờ. Ảnh: CÔNG KHANH

Huy động tối đa lực lượng

BCH PCLB thành phố Đà Nẵng cho biết đã lên phương án sơ tán gần 20.000 hộ dân với gần 74.000 nhân khẩu đến nơi an toàn, bắt đầu từ 12 giờ đến trước 17 giờ chiều 9-11. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, hiện 1.830 tàu thuyền của địa phương này đã vào bờ, neo đậu an toàn. Trong ngày, Chủ tịch UBND TP đã có Công điện 02/CĐ-UBND chỉ đạo các cơ quan, ban ngành vào cuộc quyết liệt, hoàn tất công tác chuẩn bị ứng phó. Bắt đầu từ sáng 8-11, các địa phương đã chủ động thông báo bão liên tục với tần suất 30 phút/lần trên tất cả các phương tiện  thông tin đại chúng. Tổ chức xe lưu động để thông báo bằng loa phóng thanh.

Chiều 8-11, Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Phó Giám đốc CATP có cuộc họp với các phòng ban nghiệp vụ, CA các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống bão Haiyan. Đại tá Nguyễn Viết Lợi lưu ý, ngay trong buổi sáng nay (9-11), tất cả CBCS toàn CATP phải chủ động chằng chống xong nhà cửa, bảo vệ tài sản của đơn vị, gia đình mình để tập trung lực lượng cho công tác phòng chống bão. Với CA các quận huyện, phường xã, tập trung bảo vệ tốt tài sản, hồ sơ và tham mưu, hỗ trợ các địa phương trong công tác di dời dân. Lực lượng CSGT làm tốt khâu cắt đường, cấm đường QL khi có chỉ đạo. Trước mắt, tối 9-11 sẽ tập trung tuyên truyền để người dân ít ra đường, bên cạnh đó vận động các hãng taxi không vận chuyển khách. Trại tạm giam phải chủ động phương án, tập trung lực lượng bảo vệ, tránh hư hại về tài sản và các tình xấu xảy ra liên quan đến phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại trại. Lãnh đạo CATP cũng quán triệt, chống bão phải lấy phòng ngừa làm chính, nên tuyệt đối từng phòng ban, CA các địa phương phải chủ động ứng trực, nếu để xảy ra sự cố nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc và lãnh đạo TP.

C.Hạnh

Tại cuộc họp khẩn chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết giao huyện Hòa Vang và Sở NN&PTNT, Cty Khai thác thủy lợi túc trực 24/24 để theo dõi diễn biến tại các hồ đập chứa nước. Các cơ quan Công an, Quân sự, biên phòng phải huy động tối đa lực lượng giúp dân sơ tán. Ngành Điện chủ động đảm bảo an toàn lưới điện trước, trong và sau bão.

Chính quyền các địa phương liên lạc với những hộ gia đình có nhà kiên cố, rộng rãi tạo điều kiện cho các hộ dân thuộc diện di dời đến ở để đảm bảo an toàn trong thời gian bão đổ bộ.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn – Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, công tác giữ gìn ANTT vào thời điểm trước, trong và sau khi bão đổ bộ là rất quan trọng, chính vì vậy, các cơ quan Công an, Quân sự, Biên phòng phải phối hợp chặt chẽ, xe thiết giáp phải túc trực 24/24 tại Sở Chỉ huy tiền phương để chủ động trong mọi tình huống. Ngoài Đà Nẵng, Quân khu 5 cũng thành lập thêm 2 sở chỉ huy tại Chu Lai, Bình Định và 1 đội cứu hộ cứu nạn dành riêng cho sự cố sập đổ công trình.

NHÓM P.V THỜI SƯ