Ứng viên đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trên truyền hình: Gay gắt về kiểm soát súng đạn

Thứ ba, 19/01/2016 10:27

(Cadn.com.vn) - Đêm 17-1 (sáng 18-1, giờ Việt Nam), các ứng viên đảng Dân chủ đã có màn khẩu chiến quyết liệt trên bàn tranh luận cuối cùng nhằm tranh thủ sự ủng hộ trước thềm cuộc bỏ phiếu sơ bộ quan trọng đầu tiên ở bang Iowa và New Hampshire.

3 ứng viên trong cuộc đua đại diện cho đảng Dân chủ đến Nhà Trắng - gồm cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu Thống đốc Maryland Martin O'Malley và thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders - có cuộc tranh luận căng thẳng trên sóng truyền hình NBC vào tối 17-1, trong đó chủ yếu nói về kiểm soát súng đạn và chăm sóc sức khỏe cho người dân Mỹ.

Đây là cuộc tranh luận quan trọng nhất, quyết định ứng viên nào sẽ được chọn là đại diện của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống với đảng Cộng hòa vào tháng 11 tới. Trong đó, bà H.Clinton - ứng viên số 1 của đảng Dân chủ - đã ôm lấy di sản chính trị của Tổng thống Barack Obama khi tìm cách ngăn chặn sức mạnh của đối thủ Sanders khi cả hai có màn khẩu chiến quyết liệt về vấn đề kiểm soát súng đạn, chăm sóc sức khỏe và Phố Wall - Khu trung tâm tài chính của Mỹ.

Kết quả trưng cầu ý kiến của NBC sau phiên tranh luận, bà H.Clinton vẫn bỏ khá xa so với ông Sanders dù các cuộc thăm dò trước đó cho thấy, cả hai hiện đang ngang ngửa nhau.

Hai ứng viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton (trái) và Bernie Sanders  liên tục công kích nhau
khi tranh luận trên truyền hình vào tối 17-1 (sáng 18-1, giờ Việt Nam). Ảnh: ABC

Quyết liệt trong vấn đề kiểm soát súng...

Bà H.Clinton dìm ông Sanders ngay từ những giây phút mở đầu tranh luận bằng cách đả kích đối thủ trong vấn đề được coi là “sở trường” của mình - kiểm soát súng.

Ứng viên số 1 tận dụng vấn đề đang chi phối chính trường Mỹ để từng bước hạ bệ ông Sanders khi cáo buộc đối thủ đứng về phía các nhà sản xuất khi ông ủng hộ một điều luật ra năm 2005, cung cấp quyền miễn trừ cho các nhà sản xuất súng. Thực tế, tiểu bang Vermont của ông Sanders là một trong những bang có tỷ lệ sở hữu súng cao nhất nước Mỹ. Nữ ứng viên sáng giá cũng tranh thủ cuộc tranh luận cuối cùng này để tìm kiếm sự ủng hộ rất lớn từ những người trung thành với Tổng thống Barack Obama – những đảng viên chủ chốt mà bà H.Clinton lo ngại đang chuyển dần sự ủng hộ sang cho ông Sanders. Bà cần họ để xây dựng một liên minh chiến thắng có khả năng giành được đề cử của đảng Dân chủ và gắn kết một cuộc đua thành công trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 sắp tới trước đảng Cộng hòa. “Tôi sẽ bảo vệ Tổng thống Obama trong vấn đề Phố Wall”, bà Clinton nói.

Nhưng quyết định buộc mình rất chặt chẽ với Tổng thống Obama ẩn chứa nhiều rủi ro trong cuộc đua với đảng Cộng hòa. Trong khi uy tín của Tổng thống Obama trong đảng Dân chủ rất cao, đa số người Mỹ vẫn không hài lòng với cách quản lý nền kinh tế của ông chủ Nhà Trắng hiện tại.

...đến chăm sóc sức khỏe

Ông Sanders nỗ lực đe dọa phá vỡ vị thế số 1 của bà H.Clinton trong 2 cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ trong tháng 2 tới tại bang Iowa và New Hampshire. Trong khi đó, vị cựu ngoại trưởng Mỹ ra sức tấn công đối thủ khi đặt câu hỏi về việc liệu một nhân vật theo “chủ nghĩa tự tuyên bố” có đủ năng lực và kinh nghiệm để trở thành tổng thống hay không.

Trong đó, nhà ngoại giao kỳ cựu này cảnh báo, chương trình y tế cho toàn dân Mỹ mà ông Sanders công bố chỉ vài giờ trước thềm tranh luận, rồi cuối cùng sẽ “đi lang thang” bởi động thái này mở lại cuộc tranh luận gay gắt với đảng Cộng hòa và có thể sẽ gây nguy hiểm cho chính sách Obamacare. Bà Clinton cũng chỉ ra rằng, kế hoạch của ông Sanders sẽ “khiến hàng triệu người mất bảo hiểm y tế”.  Ông Sanders tức giận đáp trả, sau những tháng ngày miệt mài “chiến đấu” cho việc chăm sóc sức khỏe người dân, ông bị buộc tội phá hoại Obamacare. “Không ai đang phá hoại cả, chúng ta sẽ đi về phía trước”, ông Sanders nói, phàn nàn rằng 29 triệu người Mỹ vẫn còn thiếu chăm sóc y tế.

Khả Anh