Ứng viên Tổng thống Mỹ tranh luận trên truyền hình: Cán cân nghiêng về bà Clinton

Thứ tư, 28/09/2016 09:53

(Cadn.com.vn) - Hội trường Đại học Hofstra ở Hempstead, New York thật sự biến thành chiến trường nảy lửa khi cả hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump không ngừng công kích nhau về nhiều vấn đề như công ăn việc làm, thuế, các bí mật thỏa thuận kinh doanh, khủng bố và vấn nạn phân biệt chủng tộc.

Không chỉ nước Mỹ, mà cả thế giới đều dõi mắt về Hội trường Đại học Hofstra để xem màn đấu khẩu nảy lửa trên truyền hình giữa ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ phe Cộng hòa Donald Trump.

Giữ vai trò điều khiển cuộc tranh luận là nhà báo, người dẫn chương trình nổi tiếng của đài NBC Lester Holt. 3 chủ đề được lựa chọn để tranh luận là Hướng đi tương lai của nước Mỹ; Làm thế nào để đi đến thịnh vượng và Đảm bảo an ninh. Đây cũng chính là những vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay. Trên bục sự kiện quan trọng này, các vấn đề như công ăn việc làm, thuế, các bí mật thỏa thuận kinh doanh, khủng bố và vấn nạn phân biệt chủng tộc trở thành vũ khí sắc bén để cả hai ứng viên công kích nhau.

Ông Trump liên tục ngắt lời công kích bà Clinton trong cuộc tranh luận trên truyền hình tối 26-9 (sáng 27-9, giờ Việt Nam). Ảnh: CNN

Trận chiến về thuế

Trận chiến bùng nổ khi bà Clinton chọc khuấy ông Trump bằng cách chỉ ra rằng, vị tỷ phú này liên tục từ chối công khai tờ khai thuế cá nhân.

“Tại sao ông ấy không công khai tờ khai thuế cá nhân?”, bà Clinton hỏi đồng thời càng công kích đối thủ khi liên tục đặt câu hỏi về vấn đề này. “Có lẽ ông ấy không giàu có như đã nói. Có lẽ ông không phải là nhà từ thiện hảo tâm như tuyên bố. Có lẽ ông không muốn người dân Mỹ biết rằng ông đã không hề trả một khoản thuế nào”, ứng viên đảng Dân chủ nhấn mạnh. Nhưng ông Trump cũng không chịu thua khi khẳng định sẽ công bố các thông tin về khoản thuế của mình khi bà Clinton công bố 30.000 thư điện tử bị xóa thời bà còn là Ngoại trưởng Mỹ. Vị tỷ phú này cũng cam kết sẽ ủng hộ nếu bà Clinton được bầu làm tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tới nhưng lại mỉa mai rằng, vị nữ ứng viên “không đủ sức chịu đựng” để làm tổng thống.

Trọng tâm “phân biệt chủng tộc”

Khi cuộc tranh luận chuyển sang vấn đề chủng tộc và tội phạm, vị nữ chính trị gia dày dạn kinh nghiệm chuyển mục tiêu công kích đối thủ khi cáo buộc ông Trump bắt đầu các hoạt động chính trị bằng việc ủng hộ học thuyết về “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.

Nói về tương lai, bà Hillary tuyên bố nước Mỹ phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và bất bình đẳng đối với các sắc tộc thiểu số khi mà số công dân da màu bị bắt giữ hoặc bắn chết cao hơn hẳn so với công dân da trắng; tình trạng quản lý súng đạn thiếu chặt chẽ khiến số vụ xả súng ngày càng tăng.

Đáp lại quan điểm trên, ông Trump cho rằng, nước Mỹ cần phải khôi phục trật tự xã hội và luật pháp. Theo ứng viên phe Cộng hòa, vấn đề người nhập cư trái phép là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Ứng viên đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại cho an ninh nước Mỹ khi cho rằng, người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha đã “sống trong địa ngục”. “Khi đi bộ xuống các đường phố, bạn có thể bị bắn”, ông Trump nói. Và bà Clinton đã quở trách ông Trump đã vẽ ra bức tranh “thảm khốc” của cộng đồng da đen.

Cuộc chiến chống khủng bố

Đối với cuộc chiến chống IS, vị cựu ngoại trưởng tuyên bố nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng, bà sẽ tăng cường chiến dịch không kích, ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính và chiến binh nước ngoài của IS.

Trong khi đó, ông trùm bất động sản tiếp tục chính sách đổ lỗi nhằm vào chính quyền Tổng thống Barack Obama khi cho rằng, nhà lãnh đạo này đang thực thi một chính sách yếu đuối trong cuộc chiến này và ông Obama cùng bà Hillary phải chịu trách nhiệm về sự hình thành của IS. Ông Trump tỏ ra tức giận khi bà Clinton chỉ trích kế hoạch “bí mật” để tiêu diệt IS của mình. Bởi theo bà Clinton, kế hoạch “bí mật” của đối thủ đảng Cộng hòa là “không có kế hoạch nào cả”. “Vâng, ít nhất tôi còn có một kế hoạch để chống IS”, bà Clinton nói.

Bà Clinton tạm dẫn 1-0

Kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên này, giới phân tích nhận định, ửng viên đảng Dân chủ đã hoàn toàn giành chiến thắng. Dù cả hai ứng viên đều tranh thủ công kích các quan điểm chính sách của nhau nhưng bà Clinton được đánh giá đã có một buổi tối gây ấn tượng mạnh hơn.

Theo kết quả thăm dò nhanh của trang Fortute.com, bà Clinton được đánh giá có màn trình diễn ấn tượng hơn với 54% số phiếu bầu, trong khi ông Trump nhận được 45% số phiếu. Thăm dò của CNN/ORC cho thấy, 62% cảm thấy bà Clinton chiến thắng so với tỷ lệ 27% dành cho ông Trump. Theo Reuters, ứng viên của đảng Dân chủ đã có màn công kích mạnh mẽ đẩy đối thủ vào thế phòng thủ và thúc đẩy cơ hội vào Nhà Trắng của mình.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, đây chỉ là cuộc đua đầu tiên đồng thời cảnh báo ông Trump vẫn luôn được cho là một “nhân tố bí ẩn”.

Khả Anh

Báo chí Mỹ nói gì?

New York Times – “Chúng tôi không mấy ấn tượng với cuộc tranh luận, nói rằng “khi chỉ có một ứng cử viên nổi bật (bà Clinton) trong khi người còn lại chỉ là kẻ bắt nạt ngớ ngẩn (ông Trump)”. Biên tập viên Nick Kristof thậm chí cho rằng, ông Trump đã “tổn thương chính mình”, còn bà Clinton đã “nghiền nát” đối thủ.

Washington Post – Ông Trump đã dội bom vào chương trình thực tế cuối cùng này và không sẵn sàng để trở thành tổng thống.

Fox News - Ông Trump đã “đấu tranh”, “không mất kiểm soát” nhưng cũng “không thể khai thác” các vấn đề quanh vụ bê bối email của bà Clinton.

LA Times – Chính trị khó hơn kinh doanh, và có lẽ ông Trump đã nhận ra điều đó vào tối nay.

New York Daily News – Một người thất bại gắt gỏng như ông Trump đã liên tục ngắt lời bà Clinton suốt cuộc tranh luận - nhưng bà Clinton mới là người có được tiếng cười cuối cùng.

100 triệu

là số khán giả được ước tính đã xem màn tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ - Hillary Clinton và Donald Trump -  vào tối 26-9 (sáng  27-9, giờ Việt Nam). Theo CNN, đây là con số người xem kỷ lục, biến cuộc tranh luận lần này trở thành cuộc tranh luận được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ.

Các cuộc tranh luận tiếp theo

Sau cuộc khẩu chiến gay cấn lần này, cử tri Mỹ còn chờ đợi 3 cuộc tranh luận trên truyền hình trong 5 tuần cuối cùng đếm ngược đến ngày bầu cử tổng thống (8-11).

* Ngày 4-10 ở Farmville, Virginia (cuộc tranh luận phó tổng thống)

* Ngày 9-10 ở St Louis, Missouri (cuộc tranh luận tổng thống)

* Ngày 19-10 tại Las Vegas, Nevada (cuộc tranh luận tổng thống)