Văn hóa, văn minh đô thị

Ứng xử với quốc kỳ

Thứ ba, 08/09/2015 09:40

(Cadn.com.vn) - Quốc kỳ - cờ Tổ quốc- của mỗi quốc gia, trong đó có nước Việt Nam, là một biểu tượng thiêng liêng. Sự tôn trọng quốc kỳ là thể hiện của lòng yêu nước, thời điểm chào lá cờ Tổ quốc là thời điểm của sự nghiêm túc, trang nghiêm, là một cách biểu thị ra bên ngoài tình yêu đất nước không thể nói hết bằng lời của tất cả mỗi công dân. Thái độ đối với lá quốc kỳ vì vậy, phản ánh tập trung nhất thái độ của chúng ta đối với đất nước của mình.

Trong mỗi dịp lễ, Tết, những ngày lễ trọng đại của đất nước... tại trụ sở các cơ quan, công sở, doanh nghiệp và nhà dân đều có treo cờ Tổ quốc. Ngoài ra, ở một số nơi cố định như khách sạn, tàu biển, trụ sở các cơ quan lớn, cửa khẩu biên giới v.v... cờ Tổ quốc được treo thường xuyên. Điều muốn nói ở đây là, đây đó, vẫn còn tình trạng thiếu quan tâm, chăm chút đến chất lượng, "tư thế" của những lá quốc kỳ được treo. Nơi thì cờ để lâu, màu cờ đã chuyển nhợt nhạt, nơi thì để cờ rách tả tơi mà chậm được thay mới, cũng có nơi để cờ bị cuốn, bị xoắn lại, không phấp phới được...

Trước những hiện tượng trên, thiết nghĩ các cơ quan đơn vị, và cả mỗi cá nhân một khi đã treo quốc kỳ, cần xem lại cách quản lý, giữ gìn lá cờ như thế nào để nó luôn phấp phới, đỏ tươi, thể hiện sự trang nghiêm, ý thức trách nhiệm cao đối với quốc kỳ. Một người bạn của người viết, nhân chuyện liên quan đến việc treo cờ đã kể lại rằng, một lần, trước lúc đi công tác nước ngoài, có người bác đã đến nhờ anh, khi đến nước ngoài, nhớ tìm xem có loại vải gì thật tốt thì mua giúp để về may cờ Tổ quốc cho được bền lâu. Chuyện tưởng nhỏ nhưng cũng đáng để suy ngẫm.

Nghi thức chào cờ tại một trường THPT.

Một vấn đề nữa cũng nên quan tâm là thái độ của công dân trước lá quốc kỳ.

Vào mỗi dịp lễ, Tết hay sự  kiện quan trọng nào đó của đất nước hay của địa phương, trước mỗi nhà dân thường  cắm cờ Tổ quốc. Ở đây, vị trí để trưng lá cờ cũng cần phải xét tới để thể hiện sự tôn trọng lá quốc kỳ của công dân, chứ không phải cứ cắm cờ đỏ rực khắp nơi là đẹp, là trang nghiêm nếu những lá cờ đó chỉ được cắm sơ sài trên một cái cây hay ống nước bằng nhựa trước hiên nhà với chiều cao rất khiêm tốn chỉ ở tầm đầu người, thậm chí còn thấp hơn nữa. Như vậy, không thể hiện sự tôn trọng của công dân đối với lá quốc kỳ.

Không ít lần, người viết đi xem bóng đá ở Sân vận động Chi Lăng hoặc xem truyền hình trực tiếp các trận bóng đá giải vô địch quốc gia, thậm chí là giải quốc tế có đội Việt Nam thi đấu, trước mỗi trận đấu, đều có nghi thức chào cờ. Khi Quốc ca nổi lên, không khó quan sát thấy vẫn có những người trên khán đài, hình như là bị "khiếm thính" hay "khiếm thị" khi vẫn ngồi yên, vẫn đội mũ hoặc đi lại tự do, trong khi đa số mọi người đứng nghiêm để chào cờ.

Nước ta là một nước nhiệt đới gió mùa, thường xuyên phải chịu nắng mưa, gió bão, lá cờ Tổ quốc, nếu làm từ những loại vải bình thường thì rất nhanh rách và bạc màu. Tại những địa điểm phải treo cờ quanh năm, đặc biệt là tại các vùng biên cương, hải đảo, tàu, thuyền trên sông biển... lại càng mau xuống cấp về chất lượng và màu sắc. Nên chăng nghiên cứu và quy định loại vải nào đó chuyên dùng để may cờ Tổ quốc.

Nhân đây thiển nghĩ, Nhà nước cần ban hành Luật về quốc kỳ Việt Nam, trong đó quy định cụ thể cách thức treo cờ thế nào; phải bảo vệ quản lý, giữ gìn thế nào; khi chào cờ thái độ, ý thức trách nhiệm của công dân yêu cầu phải ra sao... Đồng thời cũng có những quy định chặt chẽ, nghiêm minh để xử lý những hành vi vi phạm liên quan đến lá cờ Tổ quốc, từ đó nâng cao ý thức công dân, lòng yêu nước một cách thiết thực.

Dân Hùng