Ước một cây cầu nối đôi bờ vui

Thứ sáu, 08/01/2021 20:30

Về tái định cư nơi ở mới khang trang hơn, nhưng do nằm bên kia sông Tranh không có cầu qua lại nên 40 hộ dân ở làng Tắc Rối, thôn 3, xã Trà Tập, H. Nam Trà My (Quảng Nam) bị cô lập, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Hằng ngày, người dân bất chấp nguy hiểm kết bè vượt sông, họ ước ao có cây cầu để đi lại, thông thương buôn bán cải thiện cuộc sống.

Không có cầu, người dân làng Tắc Rối phải kết bè vượt sông Tranh để sang đường chính. 

  • Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My thông tin, UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị với Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam nhưng chưa có kết quả cụ thể. Trước mắt, huyện xác định xây dựng cây cầu treo dân sinh, bước đầu khảo sát đầu tư với khoảng 2,5 tỷ đồng, nhưng khả năng của huyện chưa bố trí được vốn. Trong thời gian từ nay đến năm 2025, nếu không kêu gọi được thì huyện sẽ bỏ nguồn ngân sách ra đầu tư xây dựng.

Năm 2019 chính quyền địa phương đã đưa hơn 40 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu làng Tắc Rối về tái định cư gần sông Tranh để thuận tiện cho người dân sinh hoạt. Lúc về làng mới, bà con vui mừng phấn khởi khi khu tái định cư được đầu tư gần như đầy đủ, khang trang hơn. Tuy nhiên, điều khiến người dân lo lắng nhất là làng Tắc Rối nằm bên kia sông Tranh không có cầu qua nên cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn.

Cặm cụi sửa chữa lại chiếc bè để đưa người dân qua sông, anh Hồ Văn Thịnh (37 tuổi, người dân làng Tắc Rối) tâm sự, lòng sông Tranh rộng chừng 70m, làng lại không có cầu bắc qua nên cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa khô, người dân căng dây thừng 2 bên bờ rồi vừa chèo ghe vừa níu theo sợi dây qua sông. Khổ nhất là trời mưa, người dân phập phồng lo sợ lũ quét tràn về nên không dám băng sông. Đến mùa mưa, dòng nước sông Tranh dâng cao, chảy xiết khiến làng bị cô lập, không ai dám vượt sông. Con lũ dữ đợt mưa bão vào tháng 10 vừa qua đã cuốn trôi 2 chiếc bè của dân làng. Không có bè thì không thể vận chuyển hàng hóa đi vào làng, bởi quanh làng được bao bởi núi và bị chia cắt bởi những dòng sông. Đây là lần thứ 5 trong năm 2020 người dân làm bè vượt sông Tranh. Cuối năm 2020, hơn 40 hộ dân làng Tắc Rối cùng nhau làm lại chiếc bè để vượt sông. Người dân dùng 8 chiếc thùng nhựa, ván gỗ, dây nhựa để làm chiếc bè rộng chừng 4m2. Khoảng 3 giờ đồng hồ, chiếc bè hoàn thành và được thả xuống dòng nước, men dọc theo sợi dây cáp đã được cố định ở trên sông, người dân qua lại đôi bờ sông Tranh. Việc qua lại dòng sông Tranh bằng bè nhưng không đảm bảo an toàn, chiếc bè có thể lật bất ngờ nếu nước lớn đổ về.

“Chiếc bè làm đơn giản nên cũng không đảm bảo an toàn, khi qua dòng nước chảy xiết bè bị chao nghiêng rất nguy hiểm. Nhưng vì cuộc sống, người dân làng Tắc Rối đành chấp nhận dùng cách này vượt sông để sang bờ mua sắm hàng hóa, buôn bán và đưa con đến trường. Vừa rồi cũng có 2 người dân bị lật thuyền nhưng rất may người dân phát hiện cứu được. Những người không biết bơi qua bè thì ai cũng nơm nớp lo sợ. Người dân ở đây ước mơ có cây cầu để đi lại, đi qua bè như vậy bà con bất an lắm!”, anh Thịnh bộc bạch.

Người dân làng Tắc Rối dùng ghe vận chuyển lương thực về làng.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Lê Văn Bốn, giáo viên điểm trường Tắc Rối tâm sự, điểm trường Tắc Rối xưa nay đã trở thành nỗi ám ảnh của các giáo viên. Các thầy cô phải chèo ghe, bè băng qua dòng nước chảy xiết của sông Tranh để đến lớp dạy học, ai nấy cũng lo sợ điều không may sẽ xảy ra. Mùa nắng nước sông Tranh cạn nên qua sông đỡ lo, đến mùa mưa thì các giáo viên phải ở lại làng, sợ băng qua dòng nước xiết sẽ nguy hiểm, gặp lũ quét sẽ bị cuốn trôi ngay.

Trao đổi về sự việc, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho hay, đây cũng là nỗi lo của lãnh đạo huyện bấy lâu nay. Làng Tắc Rối hiện nay đã tương đối ổn định, có đầy đủ về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hiện làng đang rất cần một cây cầu để cho người dân thông thương, đi lại an toàn.

Việc người dân làng Tắc Rối kết bè băng qua sông Tranh rất nguy hiểm đến tính mạng. Hơn lúc nào hết, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, H. Nam Trà My cần quan tâm, sớm có hướng giải quyết mơ ước chính đáng cho bà con nơi đây.

Lê Vương