Ươm mầm khởi nghiệp từ Khoa học công nghệ

Thứ hai, 29/08/2016 10:51

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-8, Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ) kết hợp với Đại học Duy Tân và một số đơn vị tổ chức “Diễn đàn Khoa học Công nghệ Lần thứ 2”(Straup Uni Tour). Đây là một trong những hoạt động giao lưu, ươm mầm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Trường ĐH Duy Tân ký kết hợp tác với Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Khởi nghiệp từ trường Đại học

“Diễn đàn Khoa học Công nghệ Lần thứ 2” tổ chức tại ĐH Duy Tân có sự tham gia của đông đảo các nhà khởi nghiệp, những đối tượng quan tâm đến khởi nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị tham gia hỗ trợ khởi nghiệp, các chuyên gia tư vấn và hơn 2.000 sinh viên đến từ nhiều trường đại học như: ĐH Duy Tân, ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Hoa Sen... BTC cũng dành một khoảng không gian để xây dựng các gian hàng, tạo cơ hội cho khoảng từ 20 đến 30 doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước giới thiệu các sản phẩm đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực như giáo dục, môi trường, ẩm thực, nông nghiệp, dịch vụ thanh toán... Trong đó, các sản phẩm như: Dự án nuôi tôm sạch siêu năng suất không thay nước, robot dò vết hàn, máy pha chế cocktail tự động, làm kính cho người mù... thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cũng như những người tham quan.

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, nhóm 5 bạn trẻ gồm: Hoàng Thái Hòa, Đinh Hữu Quang, Nguyễn Mạnh Tiến, Võ Hoàng Anh, Lưu Quang Thành (SV ngành Điện-Điện tử, ĐH Duy Tân) mang đến Hội chợ sản phẩm Robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu và hơn thế, hiện sản phẩm này đang được nhóm nghiên cứu và Trường ĐH Duy Tân phối hợp với Nhà máy đóng tàu Sông Thu thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất. Lê Quang Thành-thành viên trong nhóm cho biết, từ thực tế công việc dò các mối hàn tại các nhà máy đóng tàu do công nhân thực hiện thường mất rất nhiều thời gian, công sức, lại tốn công mắc giàn giáo, tốn chi phí..., nhóm đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm Robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu. Để hiểu rõ hơn về giá trị kinh tế, Thành lấy ví dụ, muốn dò tìm các mối hàn của một con tàu có trọng tải khoảng 2.000 tấn thì chi phí phải đến cả tỷ đồng, trong khi đó chỉ cần một vài con robot như thế này thì sẽ giải quyết ngay được vấn đề. Nói rồi Thành hướng dẫn, con robot này mang theo đầu dò siêu âm sẽ tự động “bò” theo các đường hàn, từ đó phát hiện các khuyết tật hàn  và ghi nhận, báo về cho người điều khiển để “cử” công nhân đến xử lý. Robot này hoạt động được ở mọi vị trí nên sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với công nhân bình thường khác, nâng cao năng suất làm việc, tránh được nguy cơ mất an toàn lao động trong công xưởng... Không những thế, nhóm còn giới thiệu thêm các sản phẩm như robot làm nhẵn bề mặt mối hàn, robot hàn tự động vỏ tàu, robot dò khuyết tật bồn chứa xăng dầu...

Đến với hội chợ, nhóm sinh viên nghiên cứu khác của ĐH Duy Tân do TS Trần Nhật Tân chỉ đạo giới thiệu giải pháp nuôi tôm sạch siêu năng suất không cần thay nước. Đây là giải pháp sử dụng vi sinh trực tiếp để xử lý chất thải ao nuôi kết hợp với hệ thống quan trắc ao nuôi tự động bao gồm các cảm biến oxy hòa tan, cảm biến nhiệt độ và cảm biến pH. Giải pháp này hạn chế đến mức tối đa quá trình thay nước, ngăn ngừa dịch bệnh, hiệu quả sử dụng thức ăn, giúp tăng mật độ nuôi đạt 400 con/m2 trực tiếp trên ao nuôi mà không cần xây thêm hệ thống xử lý nước thải...

Hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp

Theo đánh giá của BTC, sau lần đầu tiên tổ chức tại Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc, “Diễn đàn Khoa học Công nghệ” được đánh giá rất cao bởi đã tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu sôi nổi giữa các nhà khoa học trẻ, các doanh nghiệp và sinh viên. Từ môi trường này, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm, định hướng và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các bạn HSSV, hỗ trợ hoàn thiện và thương mại hóa các sáng chế và sản phẩm nghiên cứu đồng thời kêu gọi vốn từ nhà đầu tư, qua đó nâng cao hiệu quả của phong trào khởi nghiệp. Đặc biệt Starup Uni Tour là chuỗi sự kiện  mở màn cho nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Ban quản lý Khu công nghiệp Hòa Lạc và Đài Truyền hình Việt Nam. Diễn đàn Khoa học công nghệ là dự án được khởi xướng bởi Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Diễn đàn lần 1 và 2 đã được tổ chức thành công tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với quy mô hơn 1.000 người tham gia, trong đó có hơn 30 sản phẩm sáng tạo được trình diễn và 70 mô hình khởi nghiệp được giới thiệu.

Ông Trần Bá Hậu- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tổng hợp-Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng, chuỗi sự kiện này được kỳ vọng trở thành môi trường cởi mở để kết nối, trao đổi chuyên môn giữa những nhà khoa học trẻ, định hướng và truyền cảm hứng cho các bạn SV, qua đó hỗ trợ hoàn thiện thương mại các sáng chế và sản phẩm, kêu gọi vốn từ nhà đầu tư, thúc đẩy tinh thần tự chủ và sáng tạo trong thế hệ trẻ. “Đến với Đà Nẵng lần này chúng tôi thực sự vui mừng bởi đây thực sự xứng đáng là thành phố khởi nghiệp, với sức trẻ sục sôi, với những sự đầu tư đồng bộ và có hiệu quả của chính quyền thành phố. Chúng tôi tin tưởng rằng những sự kiện như Starup Uni Tour sẽ góp phần tăng thêm cơ hội để những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khởi nghiệp giao lưu, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác”-ông  nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Lâm-Giám đốc Ban khoa học và công nghệ Hòa Lạc, Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam cho rằng, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích 1.600ha, nhưng đến nay chúng tôi mới chỉ giao được 300 ha cho các nhà đầu tư vì chúng tôi không ưu tiên cho doanh nghiệp nước ngoài mà chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam bởi đây là khu công nghệ được Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền, với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nhất là về thuế. Trên cơ sở đó, ông Lâm đưa ra quan điểm muốn xây dựng một “ngân hàng” về thông tin khoa học công nghệ, kết nối bản đồ khoa học công nghệ cho SV cũng như các nhà nghiên cứu khoa học, công nghệ, các đơn vị khởi nghiệp ở Việt Nam... “Muốn xây dựng đô thị về phát triển khoa học công nghệ thì ngoài các dự án còn có những phần rất quan trọng như: đào tạo, ươm tạo và chuyển giao công nghệ. Hiện mỗi năm Chính phủ dành 2% GDP để đầu tư vào Khoa học công nghệ, nhưng phần lớn đang nằm trong ngăn giấy, vì vậy chúng tôi muốn tập hợp để thông tin rộng rãi cho những người cần biết...”-ông Lâm nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn