Ưu tiên phát triển hạ tầng cảng biển, mở cửa giao thương

Thứ bảy, 17/07/2021 12:48

Với phương châm hệ thống hạ tầng cảng biển luôn phát triển trước một bước, trong những năm qua, chính sách đa dạng hóa nguồn vốn phát triển cảng biển Việt Nam đã góp phần tăng năng lực thông quan hàng hóa và cửa ngõ thông thương giữa các quốc gia.

Hệ thống hạ tầng cảng biển Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và thu hút được nhiều hãng tàu lớn trên thế giới vào cập cảng.

Hàng hóa qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng ổn định.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết tổng khối lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Theo thống kê của Cục Hàng hải, trong sáu tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước hơn 425 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng ổn định trong những tháng có dịch COVID-19. Trong số đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 106 triệu tấn, tăng 9%; hàng nhập khẩu đạt hơn 133 triệu tấn, tăng 2%; hàng nội địa đạt gần 184 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng hàng container, sản lượng thông qua cảng biển ước khoảng 14,7 triệu tấn, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2020 (hàng container xuất khẩu đạt hơn 4,8 triệu tấn, tăng 20%; hàng container nhập khẩu đạt hơn 4,7 triệu tấn, tăng 21%).

Một số khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua cao như khu vực Thái Bình tăng 65%, khu vực Đồng Tháp tăng 56%, khu vực Quảng Ngãi tăng 38%, khu vực Hải Phòng tăng gần 16% và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 9%. Một số khu vực cảng biển có tổng khối lượng hàng container thông qua tăng mạnh, đặc biệt là container xuất nhập khẩu như khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 41%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 16,4% và Hải Phòng tăng hơn 19,8%.

Xã hội hóa đầu tư hạ tầng bến cảng

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, qua 2 thập kỷ phát triển cảng biển theo quy hoạch được duyệt, cảng biển Việt Nam đã định hình một hệ thống cảng gồm 45 cảng (32 cảng biển trong lục địa và 13 cảng dầu khí ngoài khơi), với số bến cảng được công bố là 286 bến cảng với khoảng 96,2km chiều dài cầu cảng, với tổng công suất 650-700 triệu tấn/năm.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy trong 10 năm qua, hệ thống cảng biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu...) đáp ứng được vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu phục vụ nền kinh tế, với 90% hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua hệ thống cảng biển, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Các cảng được đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ nên lượng hàng hóa thông qua một số cảng chính vượt 1,3-1,5 lần so với công suất thiết kế. Việc áp dụng các giải pháp để tiếp nhận các tàu trọng tải lớn hơn thông số luồng thiết kế một cách an toàn đã giúp thông qua lượng hàng hóa lớn hơn nhiều, mặc dù tổng công suất toàn hệ thống mới chỉ đầu tư đạt 80% so với quy hoạch.

Đặc biệt, chất lượng dịch vụ được cải thiện, giá xếp dỡ tại cảng biển nước ta chỉ bằng khoảng 70% các nước trong khu vực. Hành lang pháp lý đã dần hoàn thiện, phân cấp triệt để cho các địa phương thẩm quyền huy động nguồn lực và cấp phép đầu tư các cảng biển nên thu hút hầu hết các nhà khai thác cảng và hãng tàu hàng đầu trên thế giới tham gia đầu tư như Tập đoàn Hutchison Port Holding-Hongkong (nhà khai thác cảng biển số 1 thế giới) đầu tư bến cảng SITV tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Tập đoàn DP World-UAE (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT-Thành phố Hồ Chí Minh...

Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết trước năm 2000, khi Việt Nam chưa có quy hoạch tổng thể, cảng biển Việt Nam khá manh mún. Khu vực phía Nam chưa có nổi một cảng chuyên dùng cho container. "Sau hai lần thực hiện quy hoạch, hiện nay, khu vực phía Nam đang sở hữu những cụm cảng container lớn nhất cả nước như Cái Mép-Thị Vải, Cát Lái với sản lượng container qua cảng chiếm đến 90% tổng sản lượng", ông Lân nói.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận có được kết quả trên là việc hiện thực hóa được mục tiêu hạ tầng cảng biển phải luôn phát triển trước một bước. "Chính sách đa dạng hóa nguồn vốn phát triển cảng biển Việt Nam đề ra trong các quy hoạch cũng đạt được những kết quả khả quan; phát huy tối đa năng suất khai thác của cảng biển hiện hữu trên đà phát triển của nền kinh tế, tạo sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp", ông Sang nói.

Số liệu thống kê cho thấy giai đoạn 2011-2020, tổng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn huy động ngoài ngân sách đạt khoảng 201.747 tỷ đồng (gồm ngân sách Nhà nước 28.387 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách Nhà nước 173.360 tỷ đồng), chiếm 20,6% tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành giao thông. Trong số đó, nguồn vốn đầu tư cảng, bến cảng hầu hết được huy động từ nguồn doanh nghiệp, chiếm 86% tổng nguồn vốn huy động; nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng như là vốn mồi.

Phát triển theo từng lớp

Theo ông Sang, Cục Hàng hải đang triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam gấp 1,6-2,1 lần. Năm 2050 gấp 4,1-4,8 lần so với hiện tại. Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 được Cục Hàng hải ước tính khoảng 312.500 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng).

Nội dung quy hoạch xác định rõ nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển quan trọng có sức lan tỏa, có hiệu quả kinh tế-xã hội lớn, chủ yếu là hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng, ngăn cát, hệ thống giao thông kết nối…); đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp. "Giai đoạn tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo quy hoạch thông qua các hình thức đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật. Ưu tiên các nguồn vốn đầu tư lớn, đảm bảo phát triển cảng biển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại, không đầu tư phân tán nhỏ lẻ tại các cảng biển, khu bến có quy mô lớn", ông Sang cho hay.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả khai thác các bến cảng hiện hữu, hạ tầng cảng biển sẽ được phát triển theo từng lớp bao gồm cửa ngõ, trung chuyển cảng địa phương để hình thành mạng lưới gom hàng theo từng hành lang từ các cảng địa phương, các cảng trong nội Á đến các cảng biển cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế của Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua, ông Sang cho rằng hệ thống cảng biển Việt Nam cần được hoạch định phù hợp các quy định của pháp luật, lợi thế điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương, từng vùng; có phân cấp vai trò của từng cảng và định hướng các phương thức kết nối cảng biển đến các chân hàng để tạo thành một chỉnh thể thống nhất.

V.Hùng