Ủy ban Giám sát Ban Thường vụ Quốc hội làm việc với TP Đà Nẵng: Cần tạo cơ chế tốt hơn cho Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Ngày 4-8, Đoàn Ủy ban Giám sát Ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với TP Đà Nẵng về “Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011 – 2015”.
Tham dự buổi làm việc về phía Đà Nẵng có ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng; ông Huỳnh Nghĩa - Phó Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. |
TIỀN GỬI TĂNG ĐỀU
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng, việc tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng trên địa bàn được thực hiện theo đúng trình tự, và có hiệu quả theo hướng dẫn của Chính phủ. Tổng vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ do TP quản lý trong giai đoạn 2011- 2014 là trên 30.200 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn ngân sách tập trung: 4.140 tỷ đồng; nguồn tiền sử dụng đất: 10.150 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài: 2.900 tỷ đồng,... TP đã phân bổ và đầu tư nguồn lực hợp lý với mục tiêu vừa phục vụ cho tăng trưởng vừa phát triển hạ tầng KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động việc làm...
Trong giai đoạn 2011- 2014, UBND TP đã tập trung rà soát, cắt giảm, đình hoãn giãn tiến độ đối với 15 dự án chưa thực sự cần thiết với tổng vốn đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng... Tuy nhiên, một số dự án đã đưa vào sử dụng khá lâu có chủ trương và quyết định bằng văn bản của Trung ương bố trí vốn nhưng đến nay gần 2.495 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành việc thanh toán với TP như: Nhà thi đấu thể dục thể thao (544 tỷ đồng), cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý (1.324,4 tỷ đồng) và 626,5 tỷ đồng thuộc về các dự án trọng điểm khác.
Về tái cơ cấu DN Nhà nước do TP quản lý, thực hiện Công văn số 2212 ngày 30-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND TP giai đoạn 2011- 2015, đến nay TP duy trì hoạt động 3 DN có 100% vốn Nhà nước; 4 DN thực hiện cổ phần hóa (2 DN Nhà nước giữ cổ phần chi phối và 2 DN Nhà nước không nắm cổ phần và đến năm 2015 sẽ hoàn thành cổ phần hóa Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Đà Nẵng và Cty Cấp nước Đà Nẵng.
Về thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện thận trọng và bám sát mục tiêu của Chính phủ. Tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư trên địa bàn đều tăng qua các năm và được cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn vốn ổn định, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn điều chuyển từ Hội sở đến các chi nhánh. Tín dụng được tập trung cho các lĩnh vực sản xuất. Về xử lý nợ xấu: nợ xấu đến ngày 31-12-2013 là 1.071 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ...
SẼ HỖ TRỢ ĐÀ NẴNG
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đà Nẵng kiến nghị sớm ban hành Luật Đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh, Luật Quy hoạch; Nghị định quản lý đầu tư trung hạn; Nghị định về phân cấp đầu tư; Kế hoạch đầu tư trung hạn 2013-2015 để có đầy đủ cơ sở thực hiện quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển một cách căn bản và có hiệu quả hơn.
Theo Phó Chủ tịch Võ Duy Khương, ở Đà Nẵng có 2 dự án “treo” từ thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến giờ đó là Làng đại học Đà Nẵng và ga đường sắt, mặc dù đã có chủ trương đầu tư của Trung ương. Đây là 2 dự án làm Đà Nẵng rất khổ, dân thì không triển khai xây dựng nhà cửa được năm này qua năm khác nên vừa qua TP quyết định cho dân làm nhà cấp 4 tạm trên đất. Đây là vấn đề nhức nhối của Đà Nẵng...
Do đó, Trung ương cần phân bổ kế hoạch đầu tư cho 2 dự án này. Phó Chủ tịch nêu vấn đề bức xúc của Đà Nẵng, việc Đà Nẵng triển khai bán thí điểm nhà chung cư giá rẻ cho người dân do TP bỏ tiền ra xây dựng để thu hồi vốn đầu tư vào dự án khác, giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho dân.
Tuy nhiên, Trung ương lại không cho phép TP bán đấu giá vì vướng vào những quy định không đâu vào đâu, các bộ, ngành trung ương lại gây khó khăn cho địa phương, tất cả các sáng kiến của địa phương đều ách tắc không triển khai được, phải xin ý kiến các bộ, ngành, mất hết cơ hội...
Ngoài ra, Phó Chủ tịch cũng đề nghị xem xét lại cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, các địa phương phải nộp về trung ương sau đó làm kế hoạch xin phân bổ từ trên xuống đang gây bất cập và mất tính chủ động, sáng kiến của địa phương cũng như cơ hội để triển khai các dự án do địa phương quản lý.
Vấn đề này cũng được ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thành viên Đoàn giám sát đề cập, trong xây dựng cơ bản cơ chế tập trung về cơ quan trung ương quá nhiều, địa phương lập thủ tục đầu tư trình lên cấp trên vô cùng nhiêu khê và chậm chạp. Ông Thanh cho biết, khu vực miền Trung thường đầu năm xin đầu tư dự án trình lên trung ương, khi trung ương thẩm định xong đến mùa mưa lũ không triển khai được.
Tất cả các công trình xây dựng cơ bản thông qua các cơ quan ban ngành quá nhiều, một dự án mà từ khi cho chủ trương đến khi thực hiện quá lâu nên mất hết cơ hội. Do đó, ông Thanh đề nghị nên phân cấp cho các địa phương để địa phương chủ động nguồn lực đầu tư...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đà Nẵng trong thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp và hệ thống tín dụng, ngân hàng. Về những đề xuất, kiến nghị của Đà Nẵng, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp báo cáo và đề đạt lên Quốc hội để sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ Đà Nẵng trong thời gian tới.
Ông Kiên cũng đề nghị tái cơ cấu kinh tế Đà Nẵng phải gắn với quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng, gắn với sự phát triển kinh tế của vùng để trung ương xét bố trí nguồn lực của trung ương và địa phương để phân bổ cho đầu tư và phát triển.
Xuân Đương