Uy danh Sư đoàn Thép

Thứ ba, 20/10/2015 11:03

(Cadn.com.vn) - Ngày 20-10, Sư đoàn 2 hai lần Anh hùng LLVTND kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Hành trình Sư đoàn Thép với truyền thống “Trên tin, bạn mến, dân thương; đã đi là đến, đã đánh là thắng” bắt đầu thời điểm lính Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam, 1965.

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thăm Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Tư lệnh Quân khu,
nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 (12- 2012).

LẬP CÔNG ĐẦU SAU 12 NGÀY RA MẮT

Sư đoàn 2 hiện nay có 3 Trung đoàn là 1, 38 và 95. Trước khi trực thuộc Sư đoàn 2, các Trung đoàn này đã có bề dày lịch sử. Trung đoàn 95 với 70 năm, Trung đoàn 38 có 60 năm và Trung đoàn 1 đến nay 52 năm truyền thống. Ngày đầu vào đội hình Sư đoàn chỉ có 2 Trung đoàn đó là 1 và 21 cùng các tiểu đoàn trực thuộc. Sau này tiếp tục bổ sung nhiều đầu mối khác.

Đại tá Trần Như Tiếp, nguyên trợ lý tác chiến của Trung đoàn 1 nhớ lại ngày đầu thành lập mà ông chứng kiến. Ngày 20-10-1965, lễ thành lập Sư đoàn 2 được tổ chức chính thức trọng thể và trang nghiêm tại làng An Lâm, xã Phước Hà (nay là Tiên Hà), H. Tiên Phước, Quảng Nam. Phát biểu trong buổi lễ, đồng chí Đoàn Khuê, Phó Chính ủy Quân khu (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã mất) nêu rõ nhiệm vụ của đơn vị: “Đây là một trong những sư đoàn chủ lực cơ động của Quân khu nên phải lấy nhiệm vụ tác chiến tập trung tiêu diệt địch là chủ yếu nhưng phải liên hệ mật thiết với phong trào của địa phương, kết hợp diệt địch và giành dân, giải phóng đất đai...”.

Đương đầu với 12.000 quân Mỹ trong tổng số 19.000 quân Mỹ và chư hầu tại miền Nam trong thời điểm đó, những người lính Sư đoàn đã mưu trí sáng tạo, chiến đấu ngoan cường, tạo nên uy danh Sư đoàn Thép khiến địch khiếp sợ. Vừa mới thành lập được 12 ngày, “vừa chạy vừa sắp hàng”, Sư đoàn đã làm nên chiến thắng trận đầu. Chỉ sau 2 giờ xung kích, đơn vị tiêu diệt cứ điểm Hiệp Đức và khu chiến Đồng Dương, bước đầu xây dựng truyền thống “Ra quân là đánh thắng, đã đánh là diệt gọn”. 10 năm chống Mỹ cứu nước, bước chân Sư đoàn tung hoành vạn dặm với 20 chiến dịch lớn, gồm 3.420 trận đánh, làm nên những chiến công hiển hách: Việt An, Cấm Dơi- Quế Sơn, Nông Sơn- Trung Phước, Đồi Tranh Quang Thạnh (Quảng Ngãi); Đường 9 Nam Lào, cao nguyên Bôlôven (Lào), Đăk Tô, Tân Cảnh (Kon Tum), giải phóng Đà Nẵng...

Đương đầu trên chiến trường rộng lớn, khốc liệt đồng nghĩa Sư đoàn phải trường kỳ gánh “đói, đau, đạn, địch” và chịu mất mát thương đau với hàng vạn CB, CS đã ngã xuống. 18 CB, CS được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Trung đoàn 1 được tuyên dương 3 lần Anh hùng. Sư đoàn cũng là đơn vị đặc biệt nhất cả nước tổn thất 4 Sư đoàn trưởng và 1 Chính ủy, Điều tự hào là từ chiếc nôi Sư đoàn đã có 12 Sư đoàn trưởng và 7 Chính ủy Sư đoàn là tướng lĩnh, 4 người là Tư lệnh Quân khu, 1 người là Phó Tổng Tham mưu trưởng, 2 người là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, 1 người là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 1 người là Đô đốc Hải quân, 4 Sư đoàn trưởng và Chính ủy là Anh hùng LLVTND.

Các CCB nữ Sư đoàn 2 trong ngày gặp mặt ở Đà Nẵng (tháng 10-2015).

KÝ ỨC KHÔNG PHAI CỦA NGƯỜI LÍNH SƯ ĐOÀN

Tại buổi giao lưu: “Tiếp lửa truyền thống, viết tiếp chiến công”, ở An Khê (Gia Lai) tháng 9-2015, Trung tướng AHLLVTND Nguyễn Trung Thu, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, nguyên Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 và các CCB đã dành nhiều thời gian kể cho CB, CS nghe về một nhà cầm quân lừng danh đó là Thượng tướng AHLLVTND Nguyễn Chơn, nguyên  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Những câu chuyện cứ như giai thoại về tài trí và bản lĩnh của người chỉ huy hai lần làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn, đặc biệt ở chiến dịch Đường 9- Nam Lào, Cao nguyên Bôlôven... Đại tá AHLLVTND Nguyễn Đức Chuyển kể lại đầy tự hào chuyến đi khánh thành tượng đài Liên minh chiến đấu Việt- Lào mà ông được làm khách mời chính là sự tri ân với CB, CS Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào  trong đó có sự đóng góp rất lớn của Sư đoàn 2 anh hùng.

Nếu nơi đâu, chiến tranh không có gương mặt đàn bà thì ở Sư đoàn 2, nữ chiến sĩ “xê 3, Tiểu đoàn vận tải 19 hay nữ chiến sĩ của Trung đoàn 1 đã đồng hành cùng đơn vị làm nên chiến thắng. Cô Nguyễn Thị Vân, nữ y tá đã từng bằng sự thông minh dùng bó tranh hơ nóng cứu được một thương binh, không nghĩ rằng người đó sau này là cố Sư đoàn trưởng Mai Tiến Mỹ. Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa hai người vào năm 2012 đã làm cho những ai chứng kiến lúc đó không kìm được nước mắt. Cô nữ y tá năm xưa nay tuổi đã hơn 70 vẫn nhớ như in những ngày gian khó mà người phụ nữ phải vượt qua. Nhớ về những nữ quân nhân Sư đoàn, Trung tướng Nguyễn Trung Thu cũng hòa niềm xúc động khi nói rằng, chính sự hy sinh ác liệt của người phụ nữ trong chiến tranh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Khi còn làm Sư đoàn trưởng và sau này trên cương vị Tư lệnh Quân khu 5, ông đã tổ chức gặp gỡ, tặng quà không chỉ phụ nữ Sư đoàn mà còn có Tiểu đoàn 232 (Tiểu đoàn Bà Thao), sau này Quân khu tiếp tục tổ chức gặp gỡ nữ quân nhân Sư đoàn 3 Sao Vàng. Bộ CHQS 11 tỉnh, thành phố đều gặp mặt nữ quân nhân trên địa bàn mình.

Sau ngày thống nhất đất nước, Sư đoàn 2 tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia với 10 năm cơ động trên các chiến trường trọng điểm. Trở về đứng chân ở hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc, Sư đoàn được Bộ Quốc phòng chọn là đơn vị duy nhất của Quân khu biên chế đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng cơ động trong mọi tình huống. Đặc biệt Trung đoàn 38 hàng năm đều được huấn luyện tác chiến biển đảo. Trong diễn tập hàng năm, Sư đoàn đều hoàn thành tốt  nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Con em các tỉnh trên địa bàn Quân khu 5 đầu quân về Sư đoàn 2 đều rất yên tâm khi đời sống vật chất tinh thần của đơn vị không ngừng được tăng lên. Doanh trại ngày càng chính quy, khang trang, đẹp đẽ. Chính sách hậu phương quân đội được bảo đảm tốt hơn. Nhiều phong trào như “Hũ gạo vì người nghèo”, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, mỗi năm Sư đoàn trích hàng trăm triệu đồng thăm, tặng quà đối tượng chính sách, đồng bào bị thiên tai, gia đình khó khăn; hỗ trợ gạo, đồ dùng học tập cho hàng ngàn học sinh nghèo vượt khó... Gắn bó với nhân dân để chiến đấu và trưởng thành, lòng dân chính là cội nguồn góp phần để đơn vị làm nên chiến thắng. CB, CS Sư đoàn luôn khắc sâu điều đó trong hành trình 50 năm lịch sử của mình.

Hồng Vân