Uy tín của già làng
Chúng tôi rất ấn tượng khi đến thăm nhà của già làng Alăng Phương (72 tuổi, trú tại thôn RaÊ, xã Ating, H. Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Không gian các bức tường căn nhà cấp 4 có treo trang trọng trên 30 Bằng khen, Giấy khen, Huân, Huy chương các loại… ghi nhận cống hiến của vị già làng mẫu mực này.
Già làng Alăng Phương và vợ giới thiệu những chiếc mâm mây của người Cơ Tu vừa hoàn thành.
Người dân thôn Pa Zih (tên cũ), RaÊ (tên mới) cho hay, già làng Alăng Phương là người có uy tín, gương mẫu, tích cực trong mọi công việc xã hội nên được bà con trong thôn tin yêu, trân trọng, quý mến bầu chọn làm già làng và được gọi với cái tên trìu mến "Già làng uy tín". Trong đại dịch COVID-19, thời gian qua, già làng Alăng Phương phối kết hợp với các hội đoàn thể tại địa phương luôn truyên truyền, vận động người dân tuân phủ khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế và tiêm phòng vaccine đầy đủ, không mê tín dị đoan, ăn uống hợp vệ sinh, giữ gìn nhà, vườn và những nơi công cộng phong quang, sạch đẹp…
Hơn 20 năm qua, già làng Alăng Phương đã kinh qua nhiều chức vụ như Trưởng Công an xã Ating, Trưởng ban Quản lý bảo vệ rừng đặc dụng liên xã Ating và Sông Kôn… Khi đã về hưu, già vẫn luôn phối hợp cùng cán bộ cơ sở trong thôn, xóm hòa giải thành công nhiều vụ việc như: mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, kinh tế, hôn nhân gia đình… Kể từ khi già làng uy tín được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải thôn đến nay, tình hình xã hội, an ninh trật tự, đời sống của bà con thôn tiến bộ rõ rệt.
Để làm tốt công tác hòa giải, già làng Alăng Phương cho hay, thời gian qua, già làng luôn "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân làm tốt nghĩa vụ công dân của mình, tuyên tuyền, phổ biến về pháp luật của Nhà nước như luật đất đai, hôn nhân gia đình, bảo vệ rừng, An toàn giao thông… và thuyết phục họ nhìn ra đâu là chân lý, sự thật, đâu là tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau… Kết quả, hầu như các cuộc hòa giải đều thành công, không để chuyện nhỏ xé to, không để đơn thư vượt cấp.
Già làng Alăng Phương bộc bạch: "Cổ nhân có câu "An cư lạc nghiệp" là rất đúng, nhưng theo tôi cũng cần "an gia" lạc nghiệp, vì có nhiều gia đình nhà cửa đường hoàng, tươm tất… nhưng các thành viên trong nhà xào xáo, mâu thuẫn… sinh ra bất ổn, thế là không làm ăn gì được. Thật ra, có nhiều "ca" hòa giải hơi lâu mới thành công, bản thân mình phải kiên trì thường xuyên tiếp xúc, vận động, thuyết phục. Nhưng có "vụ" chỉ vì tự ái, họ cũng không muốn đưa vụ việc lên tuyến trên, vừa mất thời gian, danh dự vừa rắc rối… họ rất muốn có một sự hòa giải, dàn xếp vừa thấu tình đạt lý tại thôn.
Già làng Alăng Phương cho biết: "Để có được thành tích trên, mình phải luôn gần gũi lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bà con để qua đó có thể giúp đỡ và động viên, hòa giải một cách hiệu quả hơn 10 trường hợp thành công tốt đẹp".
Nhờ sự tuyên truyền, vận động, giáo dục của già làng Alăng Phương cùng với trưởng các đoàn thể tại thôn mà những thanh, thiếu niên "cá biệt" đã trưởng thành, một số đã lập gia đình và sống có trách nhiệm đối với vợ con cũng như cộng đồng dân cư. Mọi tác phong, ngôn ngữ, cử chỉ, tư cách… của thanh thiếu niên ngày càng cải thiện, cảnh say sưa, đàn đúm không còn xảy ra.
Những năm qua, già làng Alăng Phương thấy nghề truyền thống đan đát của người Cơ Tu ngày càng mai một. Để người dân quan tâm, nhất là lớp trẻ, năm 2020 già Alăng Phương bắt đầu đan mâm mây, một loại mâm đan bằng mây và lồ ô rất khó đan của người Cơ Tu. Đến nay, già đã đan được 10 mâm tròn và 1 mâm dài. Vừa qua, già làng Alăng Phương đã bán được 2 mâm tròn (giá 3 triệu/cái) và 1 mâm dài (giá 5 triệu/cái). Song song với công việc đan, già làng còn truyền nghề cho lớp trẻ với nghề đan để sau này còn giữ lại văn hóa Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn hoang dã.
Tiên Sa