Vạch trần kế hoạch trộm tranh của Đức Quốc Xã
(Cadn.com.vn) - Một kế hoạch ăn trộm tranh quy mô lớn của Đức Quốc xã trong Thế chiến II bị bóc trần khi BBC ngày 4-11 đưa tin về 1.500 bức tranh bị mất trong 2 vụ án nổi tiếng từ năm 1939 vừa được phát hiện trong căn hộ ở Munich, Đức.
Những bức tranh này bị Đức Quốc xã tịch thu hoặc mua lại tại các nước bị chiếm đóng như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Áo, Nga... để mang về Bảo tàng Fuehrermuseum của Adolf Hitler tại Linz, Áo.
Kinh doanh mờ ám
Cornelius Gurlitt, 80 tuổi, bị cáo buộc giấu các bức tranh tại Munich, sau bức tường đầy các lon đồ hộp cổ, giữ bí mật của mình trong 68 năm qua.
Những bức tranh này được Cornelius đánh cắp từ cha, Hildebrand Gurlitt, 1 trong 4 lãnh đạo của Ủy ban Tịch thu Đức Quốc xã. Đây là đơn vị được thành lập vào tháng 3-1938 với nhiệm vụ bán các tác phẩm nghệ thuật cho nước ngoài theo lệnh của Hitler và Herrmann Goering để thu ngoại tệ. Hildebrand Gurlitt cùng 3 người khác mở cửa hàng ở Schloss Niederschonhausen, bán gần 16.000 bức tranh và tác phẩm điêu khắc mà Hitler và Goering lấy từ Viện Bảo tàng Đức thời kỳ 1937-1938 và các tranh "ăn cắp được".
Các bức tranh lần đầu tiên được trưng bày tại Haus der Kunst ở Munich hôm 19-7-1937 khi các nhà lãnh đạo Đức Quốc xã mời hơn 2 triệu khách đến tham quan. Tuy nhiên, Hildebrand và các đồng nghiệp không bán được nhiều tranh.
Vì vậy, vào ngày 20-3-1939, họ đốt 1.004 bức tranh - tác phẩm điêu khắc và 3.825 các bức màu nước, vẽ và in trong sân Sở Cứu hỏa Berlin, tạo sự chú ý lớn. Ngay sau đó, Bảo tàng Basel ở Thụy Sĩ chi 50.000 franc Thụy Sĩ để mua các tác phẩm. Những người yêu thích nghệ thuật cũng đến mua.
Cho đến nay vẫn không rõ Gurlitt, và những cộng sự đã giữ lại và bán ra bao nhiêu bức tranh đến Thụy Sĩ và Mỹ thông qua những con tàu vượt Đại Tây Dương vì lợi ích cá nhân.
Một cuộc trưng bày tranh của Đức Quốc xã tại Berlin năm 1938. Ảnh: BBC |
Giấu các bức tranh
Hildebrand bị quân Đồng minh bắt gần Bamberg vào năm 1945 khi đang ẩn nấp trong lâu đài Baron von Pollnitz, song ông không khai nơi giấu các tác phẩm nghệ thuật.
Những gì chúng ta đã biết là ông ta giấu thành công hơn 1.000 bức tranh - mà cũng có thể con trai của ông ấy, Cornelius, lúc đó đang ở tuổi thiếu niên, đã lấy chúng.
Có thể họ giấu chúng ở Pháp bởi Hildebrand được Ủy ban Tịch thu bố trí làm việc ở Paris trong thời gian chiến tranh. Ông sống tại khách sạn Hotel de Jersey giai đoạn 1941-1945. Liệu có những gì được cất giấu trong căn hộ của Cornelius? Rất có thể đó là những bức tranh của các gia đình người Pháp hoặc tranh của Picasso và Matisse mà Hitler lấy từ Bảo tàng Đức...
Hildebrand có hai mánh khóe để thu thập các tác phẩm cho Bảo tàng Fuehrermuseum của Hitler. Thứ nhất, ông đến thăm những ngôi nhà người Do Thái bỏ lại và thu tất cả các tác phẩm nghệ thuật của họ; cách còn lại là mua lại các tác phẩm tại nhà đấu giá Drouot ở Paris. Gurlitt trả hơn 1 triệu franc Pháp cho 4 bức tranh đắt nhất trong cuộc bán đấu giá Georges Viau Impressionists ở Paris từ ngày 11 đến 14-12-1942.
Hildebrand biết giá trị của chúng. Một bức tranh của Matisse được trả lên đến 2.600 bảng Anh tại cuộc đấu giá năm 1941 trong khi tranh của Picasso là 880 bảng Anh. Hildebrand không đốt cũng không bán chúng. Mặc dù quân Đồng minh phát hiện số lượng lớn các bức tranh bị đánh cắp trong năm 1945 tại mỏ muối Alt Aussee gần Salzburg và trong lâu đài ở phía nam của Munich, một số bức bị mất mãi mãi. Nga hiện đang nắm giữ hơn 120.000 tác phẩm nghệ thuật trong chiến tranh tại 3 bảo tàng ở Moscow. Nhiều bức tranh quan trọng biến mất, chẳng hạn như tác phẩm của Raphael - chân dung một chàng trai trẻ - Đức Quốc xã lấy từ các chủ sở hữu người Công giáo ở Ba Lan.
5 năm trước, Áo tiết lộ sự tồn tại của hơn 10.000 bức tranh và tác phẩm điêu khắc, được giấu từ năm 1945 trong các tu viện dọc sông Danube và trong cơ quan nhà nước. Chúng từng thuộc về các chủ sở hữu người Do Thái nhưng bị Đức Quốc xã cướp lấy khi người Do Thái bị đưa vào các trại tập trung.
An Bình
(Theo BBC)