“Vai diễn để đời” của ông Kim Jong-un

Thứ bảy, 31/03/2018 11:31

Sau nhiều năm cô lập trong vòng tròn ngoại giao, bất chợt, các nước đều muốn nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Binh sĩ Hàn Quốc chăm chú theo dõi thông tin cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.   Ảnh: AFP

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang khiến cả thế giới đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác với hàng loạt sự kiện lịch sử trên sân khấu ngoại giao. Từ khả năng hội đàm thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến quyết định gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4 tới, và nhất là chuyến thăm bất ngờ đến Trung Quốc gần đây, ông Kim Jong-un đã cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Giới chuyên gia ngoại giao liên tục bàn đến cuộc gặp của ông Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và xem đó như một “chính sách bảo hiểm”. Bằng cách hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, ông Kim Jong-un có thể cố gắng đảm bảo chiến lược “không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ” khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5 tới. Bởi nếu hội nghị thượng đỉnh với Mỹ thất bại trong vấn đề phi hạt nhân hóa, ông Kim vẫn có thể quay lại với mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc.

Chuyến thăm bất ngờ cho đến nay vẫn đang khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi. Và điều mà dư luận quan tâm nhiều nhất là vì sao ông Kim lại quyết định đi Bắc Kinh trong lúc quan hệ giữa hai nước đang xấu đi, đặc biệt với các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Bắc Kinh thực hiện theo nghị quyết của LHQ? Có thể, Bình Nhưỡng muốn tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh lịch sử, trước cuộc đàm phán được cho là sẽ rất khó khăn với Mỹ, nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài nhiều thập niên. Cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng có thể giúp nhà lãnh đạo Kim Jong-un phối hợp với đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, và cũng để trấn an Bắc Kinh trước các cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với Hàn, Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể tìm kiếm các bảo đảm về an ninh với Trung Quốc khi đối mặt với Mỹ, trong bối cảnh Washington không ngừng nói đến việc can thiệp quân sự là một biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Và nếu xem xét kỹ, có thể thấy chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un không thể không liên quan với việc Tổng thống Trump bổ nhiệm ông John Bolton, nổi tiếng là nhân vật “diều hâu” làm cố vấn an ninh quốc gia hôm 22-3.

Thực tế là, 2 ngày sau khi được bổ nhiệm, lần đầu tiên trả lời truyền thông Mỹ với tư cách tân Cố vấn An ninh Quốc gia, ông Bolton đã tuyên bố rất bi quan về triển vọng thượng đỉnh Mỹ-Triều và nhận định, Bình Nhưỡng “muốn câu giờ để phát triển vũ khí hạt nhân”. Ông Bolton cũng là nhân vật cũng từng khuyến cáo dùng chiến tranh để xóa sổ chính quyền Triều Tiên. Và Hơn bao giờ hết, Bình Nhưỡng cần tìm tiếng nói chung với Bắc Kinh, trước khi bước vào các cuộc thương lượng đầy cam go với Washington.

Chuyến công du Trung Quốc được xem như “lá bài cuối cùng” của ông Kim Jong-un trước khi đến Hàn, và có thể sẽ đến một nước thứ 3 nào đó để hội đàm thượng đỉnh với Mỹ.

Tiến đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ, Hàn và cả Nhật

Rõ ràng, những hình ảnh gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Triều đang đẩy chính quyền Tổng thống Trump vào một hoàn cảnh bất ngờ gây lúng túng trước thềm các cuộc đàm phán lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sau chuyến công du từ Trung Quốc trở về, Triều Tiên đã nhất trí tổ chức cuộc gặp mang tính bước ngoặt giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in tại Freedom House (Ngôi nhà Tự do) ở phía nam của Khu vực Phi quân sự (DMZ). Với cuộc gặp quan trọng này, ông Kim Jong-un sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên trong lịch sử đặt chân đến lãnh thổ Hàn Quốc. Hội đàm liên Triều xem ra đã giải quyết xong và vấn đề còn lại là hội đàm Mỹ-Triều. Sau khi xác nhận chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, người láng giềng của họ đã tái khẳng định cam kết về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng gặp Tổng thống Trump. Phản hồi thông tin mà Trung Quốc đưa ra, ông Trump cũng đã viết trên trang mạng Twitter cá nhân: “Ông Kim Jong-un có cơ hội tốt để làm những gì đúng đắn” và “ông Kim mong muốn gặp tôi”.

Tuy nhiên, thật ra, đây chỉ là quyết định tự phát của Tổng thống Trump. Và cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục giữ im lặng về cuộc đàm phán lịch sử với Mỹ mà chỉ xác nhận quyết định hội đàm thượng đỉnh với phía Hàn Quốc. Có thể vì nhiều lý do. Nhưng giới quan sát cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất, đó là Bình Nhưỡng đang tính đến những “lựa chọn tối đa” trước khi đáp lại Washington. Và sau quyết định hội đàm lịch sử với Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ sớm có câu trả lời về cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump.

Không chỉ Mỹ, Hàn, Nhật cũng đang tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong bối cảnh có nhiều lo ngại, Tokyo đang bị bỏ rơi khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục thay đổi nhanh chóng. Hãng Asahi Shimbun ngày 30-3 dẫn một nguồn thạo tin về Triều Tiên cho hay, một cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Thủ tướng  Shinzo Abe có thể diễn ra vào đầu tháng 6 tới. Việc thảo luận về bước đột phá như vậy giữa Bình Nhưỡng và Tokyo đã được nêu ra trong một tài liệu dùng cho “các buổi học tập” nhằm giáo dục chính trị cho các quan chức cấp cao của đảng Lao Động Triều Tiên cần quyền. Tài liệu đã ca ngợi những kỹ năng ngoại giao của ông Kim và nêu chi tiết về các đường lối chính sách đối ngoại được áp dụng riêng rẽ đối với Hàn, Mỹ, Trung, Nhật và Nga. Theo trật tự này, dường như đây là dấu hiệu rõ ràng đầu tiên về sự quan tâm của Bình Nhưỡng đối với một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Triều sau các cuộc hội đàm với Hàn, Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn thận trọng cho rằng, đây chỉ là sự khởi đầu của một vài tuần lịch sử ở trên bán đảo Triều Tiên. Họ sẽ làm nên lịch sử, hay sẽ quay trở lại bờ vực một lần nữa? Câu trả lời nằm ở “thì tương lai”.

KHẢ ANH