Vài kỷ niệm với bác Lê Khả Phiêu
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm Làng tránh lũ Phương Trung (H. Đại Lộc). |
Rất tiếc vì đại dịch Covid hoành hành tại quê nhà Quảng Nam-Đà Nẵng, nên tôi không thể ra Hà Nội cùng với những nơi mình từng, đang công tác và ban lãnh đạo Hội đồng họ Lê Việt Nam, để viếng lễ tang Thượng tướng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, một vị anh minh, nguyên lãnh đạo Quân đội, lãnh đạo Đảng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Cống hiến của nguyên Tổng Bí thư với Đảng, dân tộc, Quân đội thì rất nhiều, riêng với tư cách nhà báo, nhà thơ quân đội từng gặp gỡ công tác với bác, tôi có ấn tượng nổi bật về vấn đề nhạy cảm: nhạy bén chỉ đạo và thực thi quyết liệt triệt để trong công tác chống tham nhũng các cấp, nhất là cấp cao trong Đảng, chính quyền, bộ ngành Trung ương; và tấm lòng thương dân, lo cho dân trong thiên tai bão lũ.
Tôi nhớ, hồi còn làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân dự một Đại hội lớn của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tại Hội trường Nhà Văn hóa Quân khu, sau khi xin bài phát biểu của Thượng tướng, tôi viết ghi nhanh và xin ý kiến thông qua. Bác đã gạch, sửa chữa nhiều từ, câu, đoạn cho chính xác, rồi ôn tồn dặn dò: Cậu nhớ người làm báo, cần viết đúng, viết trúng sự việc, sự thật, đừng thêm mắm, thêm muối nhiều, kẻo làm giảm độ chân thật, trung thực, khách quan nhé. Riêng mình dặn, người làm báo quân đội nên tránh xa kiểu tô hồng, đánh bóng, biến không thành có, biến ít thành nhiều làm giảm lòng tin; hoặc đưa tin giật gân, chụp giựt, cướp, hiếp, giết nhiều làm người ta chỉ thấy mặt xấu của xã hội gây hoang mang, dao động. Cái xấu cần hết sức lên án; nhưng phê bình để người ta tiếp thu sửa chữa, chứ đừng phủ nhận sạch trơn, đẩy người ta đến đường cùng, không hướng thiện. Với cái ác, cái độc địa, gây chết người, không thể nương tay, không thể dung tha!...
Lần nữa, là hồi cơn lũ thế kỷ 1989 ở miền Trung, nhất là Quảng Nam- Đà Nẵng và TT- Huế, không chỉ tôi mà vài báo đài lớn, trong đó có Tạp chí Văn nghệ Quân đội được theo chân Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Thiếu tướng nhà văn Nguyễn Chí Trung đi thăm, sẻ chia nỗi mất mát đau thương của bà con vùng rốn lũ, đỉnh lũ. Trước mắt tôi là một vị tướng, mắt thâm quầng, có nhiều nếp nhăn trên trán, quần xắn cao, lao vào tâm lũ. Hết đến vùng nạn nhân bị lũ quét ở xã Hòa Phú (H.Hòa Vang, Đà Nẵng), bác đến làng tránh lũ Phương Trung, xã Đại Quang (H. Đại Lộc, Quảng Nam), rồi cửa Tư Hiền (TT- Huế). Không rào cản, không quan cách, tôi thấy bác hết mực cám cảnh, xót thương, đau lòng với những bà con bị thiệt mạng vì lũ, xót xa, ân cần chia sẻ với đồng bào thiệt hại do bão lũ, xông xáo, nhạy bén, chủ động chỉ đạo, đưa ra nhiều quyết sách thiết thực giúp dân vùng lũ khắc phục thiên tai. Cơm áo, thuốc men, đèn dầu được chi viện kịp thời, đường tạm, nhà tạm, trường học được dọn bùn, sửa chữa dựng lại sớm bước đầu cho người dân và học sinh vùng thiệt hại nặng. Và sau đó không xa, sau khi được các đơn vị quân đội xắn tay áo lên lao vào xây mới thành công Làng tránh lũ Phương Trung ở Đại Lộc (Quảng Nam) và Làng Rồng ở thị trấn Thuận An (H. Phú Vang, TT- Huế) trong niềm vui mừng rơi nước mắt của bà con vùng thiệt hại nặng sau cơn đại hồng thủy.
Lần thứ ba, với vai trò cán bộ biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, kiêm phóng viên Tạp chí Văn hóa Quân sự chủ biên cuốn sách "Miền Trung- Tây Nguyên sống chung và vượt trên bão lũ", tôi gọi điện đặt vấn đề với nguyên Tổng Bí thư viết cho một bài về chỉ đạo cứu, giúp dân trong đại hồng thủy năm 1999. Bác sốt sắng nhận lời và giao cho nhà báo, nhà văn Kim Quốc Hoa chắp bút. Tôi rất tâm đắc những đoạn bài viết nhấn mạnh đến phương châm " bốn tại chỗ", trong đó thấm thía nhất là chủ trương phòng lũ hơn cứu lũ và đề cao "lực lượng tại chỗ"- tự cứu mình trước khi người tới cứu của bác.
Lần cuối, trong vai trò lãnh đạo Hội đồng họ Lê, tôi cùng các vị chủ chốt đến thăm nhà, hỏi thăm sức khỏe, tặng sâm bồi dưỡng sức khỏe, bác ân tình đón chúng tôi ngồi quây quần bên trống đồng đặt tại nhà. Bác kể sự tích các vua Lê, ca ngợi và tự hào về tài thao lược dung người và công lao vua Lê Thái Tổ, nói đến truyền thống yêu nước, thương dân của các vị vua dòng họ khác trong lịch sử. Tôi nhớ bác nhắc nhở: Có gia đình mới có gia tộc, có gia tộc mới có dòng tộc, có nhiều dòng tộc mới làm nên đại dân tộc Việt Nam. Trên tinh thần truyền thống cao quý bao đời về tề gia, yêu nước, thương người, thương nòi, hãy giáo dục, xây dựng gia đình, gia tộc, dòng tộc, dân tộc Việt Nam ta văn hóa, gương mẫu để xây dựng đất nước ta văn minh, phồn thịnh.
Tôi nhớ vài kỷ niệm nhỏ trên như một nén tâm-trầm-nhang xin tiễn bác Lê Khả Phiêu khả kính của Đảng ta, dân tộc ta, Quân đội ta, non sông đất nước ta, đồng bào ta về nơi vĩnh hằng.
Đại tá nhà báo, nhà thơ LÊ ANH DŨNG