Vai trò của giáo dục trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Thứ hai, 18/09/2017 12:59

Ngày 16-9, tại TP Đà Nẵng, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội nghị Hội đồng giáo giới các nước ASEAN và Hàn Quốc (ACT+1) lần thứ 33 với chủ đề: "Vai trò của Giáo dục trong tiếp biến văn hóa toàn cầu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc". Hơn 400 đại biểu là cán bộ, nhà giáo của các tổ chức Công đoàn Giáo dục, Hiệp hội giáo viên các nước ASEAN và Hàn Quốc tham dự.

Các đại biểu tham gia hội nghị.         

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Phùng Xuân Nhạ, hội nghị ACT + 1 thường niên là một sự kiện quan trọng trong chương trình hợp tác giữa Hiệp hội giáo giới các nước ASEAN và Hàn Quốc. Những năm qua, Hiệp hội đã góp phần quan trọng trong việc nhận diện thực trạng giáo dục trong khu vực, những thách thức mà giáo dục cần phải vượt qua. Từ đó đã đề xuất cho Chính phủ, Bộ Giáo dục của các nước các biện pháp giải quyết, xây dựng các chiến lược, chương trình hành động vì một nền giáo dục phát triển và bền vững trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.

Thông qua tiếng nói của các thành viên của Hiệp hội, các chính sách, sự quan tâm đối với nhà giáo được cải thiện; các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp đối với nhà giáo được chuẩn hóa; các mục tiêu, chương trình giáo dục được bổ sung theo hướng tiếp cận năng lực của người học. Đặc biệt, các khuyến nghị đề xuất về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; về giáo dục tính cách và giáo dục công dân toàn cầu; về giáo dục vì sự phát triển bền vững... đã được tiếp cận và dần chuyển hóa trong chiến lược giáo dục đào tạo ở mỗi quốc gia.

 "Hội nghị ACT + 1 là diễn đàn có ý nghĩa lớn, giúp các nhà giáo cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển giáo dục, tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua thách thức của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra. Đồng thời, đây là dịp để các nhà giáo trao đổi, thảo luận các giải pháp giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giải pháp hỗ trợ nhà giáo phát triển  nghề nghiệp. Qua đó, góp phần giảm thiểu chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, các quốc gia trong khu vực và thống nhất chương trình hợp tác "vì một nền giáo dục phát triển tiến bộ trong khu vực và trên thế giới", ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Với chủ đề: "Vai trò của giáo dục trong tiếp biến văn hóa toàn cầu và gìn giữ bản sắc dân tộc", các nước thành viên đang thống nhất và có tiếng nói chung trong nhận diện một vấn đề có tính thời sự liên quan tới sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, các nước đều đặt mục tiêu: "Kiến tạo kinh tế phải tiến hành song song với kiến tạo về văn hóa". Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, văn hóa truyền thống là linh hồn, là giá trị, là điểm định vị tầm vóc, vị trí của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong một cộng đồng thế giới hiện nay. Một nền văn minh với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ rất cần có yếu tố văn hóa đồng hành để tránh những tác động xấu có thể xảy ra. Chính vì thế, việc phát đi những tuyên ngôn về văn hóa, về tính nhân văn của cộng đồng là điều cấp thiết... Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã xác định văn hóa là nền tảng của xã hội, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và xã hội. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, tiến bộ trong văn hóa của dân tộc khác. Chính phủ Việt Nam cũng luôn quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện chủ trương đó, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã và đang tiến hành những giải pháp đổi mới nhằm phát triển một nền giáo dục tiếp cận xu thế hiện đại và trân quý các giá trị truyền thống. "Chúng tôi luôn mở rộng cửa hợp tác trên mọi phương diện với giáo dục của các nước và sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ trong điều kiện hiện có. Chúng ta hãy cùng nêu cao khẩu hiệu: đoàn kết, gắn bó, hợp tác và cùng nhau phát triển vì sự nghiệp giáo dục các nước trong khu vực và trên thế giới và vì một tương lai bền vững", ông Nhạ khẳng định.

Hội nghị ACT + 1 lần thứ 33, ngoài phiên chính với phần báo cáo của các quốc gia, còn có các phiên song song, tập trung thảo luận các vấn đề mà nhiều nước cùng quan tâm. Các báo cáo của Việt Nam đã đem đến cho các vị đại biểu bức tranh chung về giáo dục của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, trong đó có chia sẻ kinh nghiệm kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA, thực trạng giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông của Việt Nam... Theo đó, các báo cáo quốc gia, các tham luận đã tập trung chia sẻ nội dung, kinh nghiệm giáo dục của các nước về văn hóa truyền thống và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình giao lưu, tiếp biến toàn cầu hóa. Bằng kinh nghiệm của mỗi nước, các đại biểu tham dự Hội nghị đã chia sẻ những cách làm giáo dục giá trị hiệu quả trên phương diện bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, hướng tới mục tiêu "dạy và học vì một tương lai bền vững".

LÊ HÙNG