Ván bài lật ngửa

Thứ tư, 24/08/2016 10:16

 

(Cadn.com.vn) - Chính trường thế giới vẫn sôi sùng sục bất chấp việc quân đội Nga mới đây tuyên bố đã ngừng sử dụng căn cứ không quân Hamedan ở miền tây Iran cho các hoạt động không kích chống khủng bố tại Syria.

Việc máy bay ném bom tầm xa Tupolev-22M3 và máy bay tiêm kích Sukhoi-34 của Nga sử dụng căn cứ không quân của Iran để triển khai các đợt không kích ở Syria, cho thấy quan hệ ngày càng gần gũi giữa Moscow và Tehran. Nhưng động thái này vấp phải làn sóng phản đối ngay ở tại quốc gia Hồi giáo và tại nhiều nước trên thế giới.

Một số nghị sĩ Iran cho rằng điều này vi phạm hiến pháp nước này. Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Iran, tướng Hossein Dehghan cũng lên tiếng chỉ trích Nga “phô trương và thiếu thận trọng” khi tiết lộ việc sử dụng căn cứ của Tehran cho các cuộc không kích chống khủng bố ở Syria. Hôm 23-8, Quốc hội Iran phản ứng mạnh mẽ trước việc quân đội nước này từ bỏ vai trò giám sát sau việc Nga sử dụng căn cứ không quân ở Hamedan.

Mỹ cũng sốt vó trước việc hợp tác giữa Iran và Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi động thái này “không may, nhưng không gây ngạc nhiên”. Washington thậm chí toan tính cáo buộc Moscow vi phạm Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ, vốn cấm cung cấp, bán hoặc chuyển giao vũ khí cho Iran, động thái thổi bùng tranh cãi giữa hai quốc gia này. Trong động thái mới nhất, Mỹ hôm 23-8 tuyên bố đã xem xét thông tin Nga ngừng sử dụng căn cứ ở Iran nhưng không chắc chắn Moscow đã thực sự ngừng sử dụng căn cứ này hay chưa.

Trên thực tế, mặc dù tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời điểm này, nhưng vấn đề đặt ra là Nga không nói rõ liệu họ có sử dụng căn cứ Hamadan một lần nữa hay không. Moscow chỉ cho biết việc có tiếp tục sử dụng căn cứ ở Iran hay không sẽ phụ thuộc vào tình hình tại Syria. Điều này đặt ra nhiều khả năng, Nga sẽ tiếp tục viện đến căn cứ này trong điều kiện cần thiết, động thái khiến Mỹ lo lắng.

Nga và Iran là hai quốc gia cùng ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, nhà lãnh đạo mà Mỹ và các đồng minh muốn lật đổ. Washington thật sự lo ngại khi mối quan hệ giữa Moscow và Tehran càng gắn bó mật thiết khi hồi tháng 9-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định can thiệp quân sự ở Syria. Và sau một số chậm trễ, Nga cuối cùng quyết định cung cấp cho Iran hệ thống phòng không tên lửa S-300.

Cùng với sự hợp tác ngày càng tăng này, việc Nga sử dụng căn cứ của Iran, vốn đánh dấu lần đầu tiên một cường quốc nước ngoài sử dụng căn cứ Iran kể từ sau Thế chiến II, giúp Moscow mở ra bài toán thử nghiệm quan trọng với Mỹ về vai trò ảnh hưởng ở Trung Đông.

Thanh Văn