Ván bài phức tạp

Thứ bảy, 28/06/2014 11:19

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Vladimir Putin dường như đang chơi ván bài khá phức tạp tại Ukraine, với trọng tâm hướng về sự an toàn của người dân nói tiếng Nga.

Ông đưa hàng chục ngàn binh sĩ Nga đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở gần biên giới Ukraine. Ông nhấn mạnh, cựu Tổng thống Viktor Yanukovich vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ukraine đồng thời không công nhận chính phủ mới của Kiev. Và ông cảnh báo, nếu lợi ích người nói tiếng Nga ở Ukraine bị đe dọa, ông có thể sử dụng thẩm quyền mà Quốc hội Nga cấp để điều quân đội đến miền đông.

Hệ thống đường ống khí đốt của Nga qua Bulgaria bị đình trệ trong bối cảnh
phương Tây cảnh báo sẽ trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Moscow. Ảnh: BBC

Nhưng những diễn biến gần đây lại khác hoàn toàn. Ông Putin công nhận chính phủ mới của Tổng thống Petro Poroshenko, và ủng hộ kế hoạch hòa bình của Kiev. Và bất chấp lời kêu gọi giúp đỡ liên tiếp từ phe nổi dậy ở miền đông, Tổng thống Putin không mượn đó làm cớ để tiến hành xâm lược toàn diện vào Ukraine. Thay vào đó, quân đội Nga gần biên giới của Ukraine được lệnh trở về doanh trại. Mới hôm 24-6, ông đề nghị Thượng viện hủy bỏ nghị quyết cho phép tấn công Ukraine.

3 tháng với những chiến lược khác nhau về Ukraine, đó liệu có phải là con bài chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin? Giới phân tích cho rằng, có vẻ như, sau vấn đề Crimea, Tổng thống Putin đã tính toán lại và không muốn đẩy vấn đề đi xa hơn nữa. Vâng, ông chủ Điện Kremlin có nhiều lý do để giữ vai trò là sứ giả hòa bình và không đe dọa xâm lược nữa. Mặc dù cùng là nơi có đa số người nói tiếng Nga nhưng miền đông Ukraine không giống Crimea. Crimea về với Nga trong cuộc chuyển giao hoàn toàn không đổ máu. Nhưng đông Ukraine hiện nay thì sao? Nơi đây đang chìm trong xung đột với số thương vong và tị nạn ngày càng tăng. Đây là cuộc xung đột mà hầu hết người Nga không muốn xảy ra. Ngoài ra, Tổng thống Poroshenko mạnh mẽ hơn với chiến lược: ra lệnh tổng tấn công “khủng bố” nhằm vào phe nổi dậy ở miền đông.

Và phương Tây cũng được cho mạnh mẽ hơn với Nga qua những biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế, chứ không như năm 2008. Còn nhớ lúc đó, khi cuộc chiến tranh ngắn mà Nga nhằm vào Georgia kết thúc, giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) nhanh chóng làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình theo đó đem lại độc lập cho hai khối của Georgia là Nam Ossetia và Abkhazia. Ông Putin có thể nghĩ rằng, một lần nữa các nhà lãnh đạo EU sẽ cân nhắc lợi ích kinh tế và không muốn gây thù chuốc oán với Nga – nhà cung cấp khí đốt chính cho EU.

Nhưng trên thực tế, bài học của Georgia có tác dụng ngược lại. Nó khiến một số nước EU luôn ấp ủ lo ngại về việc Nga có mục đích mở rộng thêm lãnh thổ, điều mà Điện Kremlin luôn bác bỏ. Do đó việc đẩy mạnh phối hợp trừng phạt Moscow, hiện vẫn còn chưa thể khiến Nga bị ảnh hưởng nhiều, nhưng có thể sẽ mạnh mẽ hơn như cảnh báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Vậy Điện Kremlin phải làm gì? Tất cả phụ thuộc vào tính toán của ông Putin về việc liệu nước Nga và người Nga chuẩn bị đối phó như thế nào với  các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra trong tương lai. Có vẻ như có 2 trường phái đối lập tại Moscow. Một mặt những người có chủ nghĩa dân tộc và bảo thủ - trong đó chú trọng đến quốc phòng, an ninh - vốn xem các biện pháp trừng phạt của phương Tây quá mạnh tay và muốn phản ứng lại. Những người khác lại cho rằng, sự rạn nứt kéo dài với phương Tây sẽ là thảm họa cho nền kinh tế của Nga. Ông Putin sẽ theo trường phái nào?

Đó là câu hỏi chỉ có thời gian mới trả lời được, song nhiều nhà phân tích cho rằng, với vị chính trị gia tài năng này, cân bằng cả hai trường phái này là điều cũng không quá khó. Năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với BBC, cựu huấn luyện viên judo của ông Putin lưu ý rằng, một trong những kỹ năng đặc biệt của ông Putin trong judo là né tránh: đầu tiên là bên phải và sau đó sang bên trái, gây lúng túng cho đối thủ. Có thể đây là phép ẩn dụ thích hợp để nói về chiến lược của ông chủ Điện Kremlin hiện nay.

Ông Putin có thể một mặt vừa tạo ra sự nhượng bộ vừa đủ để ngăn chặn phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt vào kinh tế Nga, tạo đà cho cơ hội tái đắc cử vào năm 2018. Nhưng mặt khác, ông có thể tiếp tục can thiệp ở miền đông Ukraine để bảo vệ người dân Nga và củng cố thông điệp, “Nga đã nói là sẽ làm”.

Khả Anh

UKRAINE KÝ THỎA THUẬN BƯỚC NGOẶT VỚI EU

Ukraine, Georgia và Moldova ngày 27-6 ký thỏa thuận hợp tác với EU, động thái vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga.

Theo BBC, phát biểu tại lễ ký với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cùng các Thủ tướng Irakli Garibashvili của Georgia và Iurie Leanca của Moldova, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Herman Van Rompuy nhấn mạnh: “Đây là ngày trọng đại đối với Châu Âu... Ngày hôm nay, EU dành cho các bạn sự ủng hộ lớn hơn bao giờ hết”. Thỏa thuận này - có thể ràng buộc 3 nước chặt chẽ hơn với phương Tây cả về kinh tế và chính trị - được ký kết trong khi phe nổi dậy vẫn giao tranh ác liệt với quân chính phủ ở đông Ukraine.