Vẫn chỉ là giấc mơ
(Cadn.com.vn) - Vậy là cuối cùng, giấc mơ trở lại chính trường của cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse đã tan thành mây khói khi vị chính trị gia này buộc phải thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng tại đảo quốc Nam Á này.
Vị cựu lãnh đạo này cũng thừa nhận liên minh do đảng Tự do Sri Lanka (SLFP) dẫn đầu cũng đã thất bại. “Chúng tôi chỉ chiến thắng ở 8 khu vực trong khi đảng Dân tộc Thống nhất (UNP) kiểm soát 11 khu vực (trên tổng số 22 khu vực bầu cử). Điều này có nghĩa là chúng tôi đã thất bại”, ông cay đắng thừa nhận trong tuyên bố đưa ra hôm 18-8. Ông đồng thời loại trừ khả năng tham gia chính phủ đoàn kết mà Tổng thống Maithripala Sirisena kêu gọi thành lập, song tuyên bố sẽ làm việc với vai trò thành viên đối lập trong Quốc hội.
Tuyên bố thừa nhận thất bại của ông Rajapakse - nhân vật vẫn còn rất nổi tiếng trong đa số cộng đồng người Sinhalese - đánh dấu “thắng lợi kép lớn” cho Tổng thống Maithripala Sirisena, người từng đánh bại ông Rajapaksa trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 1 vừa qua và đã kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội sớm để giữ vững những cải cách mạnh mẽ. Hiện ông Sirisena đang đứng đầu một liên minh cải cách rộng rãi vốn đã lật đổ cựu Tổng thống Rajapaksa trong cuộc bầu cử hồi tháng 1.
Cuộc bầu cử Quốc hội lần này ở Sri Lanka được cho là cuộc đối đầu giữa SLFP và UNP, nhưng thực chất là cuộc chiến song mã giữa ông Rajapaksa và đương kim Tổng thống Sirisena. Tranh giành quyền lực gay gắt giữa họ đã làm lu mờ cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia có lịch sử thù địch chính trị và thậm chí là cả các vụ ám sát các nhà lãnh đạo. Tổng thống Sirisena lo ngại việc người tiền nhiệm Rajapaksa trở thành thủ tướng sẽ là rào cản cho những chính sách cải cách đầy tham vọng của mình.
Và giờ đây, việc đánh bại ông Rajapaksa giúp Tổng thống Sirisena giữ vững chính sách đối ngoại thay đổi của mình, trong đó có việc nới lỏng quan hệ với Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Rajapaksa, quan hệ Sri Lanka và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, như một cách để Bắc Kinh biến Sri Lanka thành chặng dừng quan trọng trong “Con đường tơ lụa trên biển” của họ. Bắc Kinh bơm hàng tỷ USD vào quốc đảo Ấn Độ Dương này và xem đây như một “tiền đồn hàng hải” quan trọng, động thái vốn khiến Mỹ và Ấn Độ rất lo ngại.
Thanh Văn