Vẫn chưa có lối thoát cho Syria

Thứ ba, 06/09/2016 10:39

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có cuộc hội đàm quan trọng hôm 5-9 bàn về việc chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria. Tuy nhiên, phiên họp kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.

Những vụ đánh bom kinh hoàng tại Tartus như thế này thường xuyên xảy ra ở Syria. Ảnh: AFP

Ngày 5-9, các nhà lãnh đạo G20 tiếp tục ngày họp thượng đỉnh cuối cùng, vốn bị phủ bóng bởi các vấn đề tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở Châu Á và nhất là áp lực tìm kiếm lệnh ngừng bắn cho Syria.

Đã có hy vọng về bước đột phá trong việc ngăn chặn xung đột ở Syria sau khi giới chức Mỹ cho biết đã tiến gần đến một thỏa thuận với Nga. Trong thư gửi phe đối lập Syria, Đặc phái viên Mỹ Michael Ratney nói rằng, một thỏa thuận về cuộc chiến này đang được Nga và Mỹ thảo luận, liên quan đến lệnh ngừng bắn trên toàn Syria và tập trung vào việc chuyển viện trợ đến Aleppo. Thỏa thuận này sẽ buộc Nga phải ngăn chặn các máy bay của chính quyền Syria không kích những khu vực do phe đối lập chính nắm giữ, và yêu cầu Damascus rút quân khỏi một tuyến đường tiếp tế chủ chốt ở bắc Aleppo.

Nhóm G20 nhóm họp lần này ở Trung Quốc với ưu tiên vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn G20 tập trung vào vấn đề kinh tế nên kêu gọi các nhà lãnh đạo tránh “nói chuyện trống rỗng” để cùng nhau đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang đe dọa toàn cầu hóa và tự do thương mại. Nhưng đúng như dự đoán, những vấn đề nóng đang chi phối toàn cầu đã phủ bóng hội nghị lần này.

Nhưng các chiến lược ngoại giao rầm rộ kết thúc trong thất bại. Một quan chức Mỹ cho biết, Moscow và Washington “vẫn còn quá nhiều sự khác biệt” dù đã tiến hành 2 vòng hội đàm giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề hội nghị G20. Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Vladimir Putin kéo dài đến 90 phút hôm 5-9 cũng kết thúc trong thất bại khi hai nhà lãnh đạo không thể tìm được tiếng nói chung cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 5 năm qua. “Hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết”, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.

Một thỏa thuận về Syria có thể giúp tạo thế vững chắc hơn cho mối quan hệ Mỹ-Nga trong bối cảnh Tổng thống Obama chuẩn bị rời Nhà Trắng. Trên thực tế, những chia rẽ sâu sắc về Syria đã phá hoại mối quan hệ giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin, đẩy quan hệ cả hai rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Nhưng bất chấp nhiều nỗ lực của các bên, tình hình Syria đang ngày càng bất ổn khi quốc gia Trung Đông đang được ví như miếng thịt bị chia năm xẻ bảy. Khi bàn đàm phán hòa bình cho Syria vẫn đang chệch hướng. Thổ Nhĩ Kỳ mới đây nhảy vào Syria với chiến dịch tấn công mạnh mẽ mang tên “Lá chắn sông Euphrates”. Chiến dịch tấn công của Ankara cùng với những cuộc tấn công chống khủng bố của Nga và các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu khiến Syria rối như tơ vò. Cuộc sống người dân lao đao vì thiếu thực phẩm,  nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết. Đánh bom là chuyện thường ngày. Trong ngày 5-9, IS đánh bom kép ở cây cầu Arzuna thuộc tỉnh Tartus khiến ít nhất 18 người chết. Đầu tiên là vụ đánh bom xe và sau đó là một kẻ đánh bom liều chết cho nổ đai thuốc nổ đeo trên người khi mọi người tụ tập giúp những người bị thương trong vụ đánh bom đầu tiên.

Khả Anh

Các nhà lãnh đạo G20 ngày 5-9 ra thông cáo báo chí kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Hàng Châu, Trung Quốc, trong đó thống nhất hàng loạt các chủ đề quan trọng.

Kyodo dẫn thông cáo cho biết, các nhà lãnh đạo G20 đánh giá tăng trưởng toàn cầu vẫn yếu và cam kết sử dụng tất cả các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ… để đạt được tăng trưởng. Hội nghị G20 lần này cũng hoan nghênh những nỗ lực đưa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ cuối năm 2016 cũng như đối phó với tất cả các hình thức tài trợ cho khủng bố.