Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII

Vẫn chưa dứt khoát về hôn nhân đồng giới

Thứ tư, 27/11/2013 05:40

(Cadn.com.vn) - Hôn nhân đồng giới, một trong những vấn đề gai góc nhất của dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đưa ra thảo luận tại QH ngày 26-11. Sau nhiều tranh luận, có vẻ như, cuối cùng vẫn chưa đi tới đâu. 

Về quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, dự thảo Luật đã bỏ quy định về việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành và thay bằng quy định mới. Theo đó, “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống giữa họ với nhau.

Nhiều ý kiến đã nêu lên thực tế, mặc dù pháp luật hiện hành đã cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người này vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng tính đã tổ chức công khai lễ cưới và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này.

ĐB Lê Văn Hoàng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, vấn đề chung sống với nhau như vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Cộng đồng người đồng tính dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện mong muốn được Nhà nước công nhận và bảo vệ quyền được sống theo bản dạng giới.

Rất khó xác định tình trạng ly thân

ĐB cho rằng, trên thực tế rất khó xác định một cặp vợ chồng đang trong tình trạng ly thân vì đây là quan hệ rất riêng tư mà chỉ có hai người trong cuộc mới hiểu được. Có những cặp vợ chồng tuy sống cùng một nhà, ăn cùng một mâm nhưng họ vẫn ly thân. Chúng ta đều biết, chung sống với nhau là sự gắn bó về mặt tình cảm, ràng buộc về mặt trách nhiệm chứ không phải ràng buộc về mặt địa danh, và về không gian sống.

Do đó, ĐB đề nghị cần có khảo sát về nhu cầu ly thân muốn được Tòa án công nhận trên thực tế là bao nhiêu để tránh tình trạng đưa vào luật rồi sẽ không ai thực hiện. Mặt khác, bản chất của ly thân không trầm trọng như ly hôn, chỉ là tạm thời chia cắt về mặt tình cảm, còn những quan hệ khác không thay đổi.

Nhưng dự thảo gần như đánh đồng ly thân với ly hôn khi quy định các vấn đề liên quan, chẳng khác nào xem ly thân là một bước để tiến tới ly hôn, trong khi đó sự lặng lẽ ly thân không cần tuyên bố về mặt pháp lý nhiều khi không chỉ tốt cho con cái mà tốt cho chính quan hệ hôn nhân.

ĐB nhận định, quy định ly thân trong dự thảo không những không góp phần ổn định gia đình, đời sống của vợ chồng mà còn làm suy yếu và dễ dẫn đến đổ vỡ, đề nghị cân nhắc kỹ - không nhất thiết đưa chế định này vào Luật.

Đại biểu nêu, hiện mới chỉ có 16 nước công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; 17 nước mặc dù không thừa nhận hôn nhân nhưng đã thừa nhận việc chung sống có đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính; đa số các nước còn lại đều không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân giữa họ.

Như vậy, theo đại biểu cách xử lý vấn đề này như dự kiến trong dự án Luật trình Quốc hội là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Quy định như dự thảo Luật cũng phù hợp với kinh nghiệm về tiến trình giải quyết vấn đề hôn nhân đồng tính mà nhiều nước trên thế giới đã trải qua.

Một số ý kiến cho rằng hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm cao. Do đó, việc thừa nhận hay không thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau và phải có lộ trình, bước đi phù hợp.

Qua thảo luận cũng có ý kiến cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành.

Theo ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng), người cùng giới tính chiếm tỷ lệ không lớn, họ cần được cảm thông và chia sẻ của cộng đồng. Tuy nhiên, những người này thường mặc cảm và giấu giếm thân phận nên chúng ta ít biết; cũng có một số người rất bình thường, nhưng do suy nghĩ lệch lạc hoặc vì mục đích tư lợi gì đó tự hóa thân thành người đồng tính, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và cũng không ít vụ án do những người này gây ra.

Do đó, nên cân nhắc kỹ trước khi đưa cụm từ “nhà nước không thừa nhận” vào luật. ĐB đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành, chỉ nên công nhận cho người đồng tính được chuyển đổi giới tính theo nguyện vọng và đúng giới của họ, xác định về mặt hành chính như thay đổi tên, giới tính theo yêu cầu của họ sau khi được Hội đồng y khoa xác định về giới tính, vì hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ mới cho xác định lại giới tính, chứ chưa cho chuyển đổi giới tính.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi sâu về các nội dung: Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Chế định ly thân; Chế độ tài sản của vợ chồng; Việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn...

Cũng trong ngày 26-11, QH đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Bảo Cầm – Hữu Hoa – TTXVN