Ván cờ đông Ukraine

Thứ bảy, 20/08/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Nga và phương Tây lại vướng vào những tranh cãi gay gắt quanh thỏa thuận hòa bình cho đông Ukraine trong bối cảnh Moscow và Kiev cáo buộc nhau kích động xung đột bùng phát.

Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận ở Alabino Firing, gần Moscow. Ảnh: WP

Cuộc nội chiến ở đông Ukraine đang làm nóng chính trường thế giới trong từng giờ. Phái bộ giám sát đặc biệt (SMM) của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại Ukraine ngày 19-8 cho biết đã ghi nhận sự hiện diện của những vũ khí hạng nặng vốn bị cấm theo thỏa thuận ngừng bắn hiện nay, ở gần đường giới tuyến thuộc miền đông Ukraine.

Trước đó, hôm 18-8, đụng độ bùng phát ở khu vực này khi chính quyền Ukraine cáo buộc phe nổi dậy sát hại 3 binh sĩ nước này. Đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất ở miền đông trong hơn 1 năm qua - kể từ khi nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Đức, Pháp) ký thỏa thuận hòa bình Minsk cho Ukraine hồi tháng 2-2015. Ngay sau vụ việc, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thậm chí cho biết không loại trừ khả năng áp đặt thiết quân luật cũng như một đợt huy động quân mới nếu xung đột tồi tệ thêm. Mọi việc càng leo thang khi trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Ukraine cảnh báo khả năng xảy ra “cuộc xâm lược Ukraine quy mô toàn diện của Nga trên mọi mặt trận”.

Tuyên bố của ông Poroshenko đưa ra trong bối cảnh báo chí phương Tây cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều 40.000 binh lính và xe bọc thép đến dọc biên giới với Ukraine tham gia diễn tập quân sự quy mô lớn. Mỹ tuyên bố đang giám sát chặt chẽ cuộc tập trận này. Theo báo The Sun, trong 12 tháng qua, Nga tiếp tục thực hiện các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực này trong khi NATO tập trận tại sườn phía đông của Moscow. Nga trên thực tế đang tăng cường lực lượng quân sự tại Crimea - bán đảo vốn sáp nhập về với Moscow vào năm 2014 - nhưng khẳng định, việc này không nhằm chống NATO hay bất kỳ ai khác. Đại diện thường trực Nga tại NATO Alexander Grushko thừa nhận, trong kế hoạch quân sự, Moscow phải tính đến những thay đổi xảy ra trên biên giới phía nam của nước này.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, Tổng thống Putin nhiều khả năng tìm kiếm lợi thế thông qua đàm phán ngoại giao hơn là giải quyết vấn đề trên chiến trường, ít nhất là trong thời gian này. “Đây là thời điểm Nga đang bị phương Tây trừng phạt”, Andrey Kortunov, Tổng giám đốc của Hội đồng quan hệ quốc tế của Nga nói với Reuters. Trong 2 năm qua, Nga hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo Châu Âu khẳng định không thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga, trừ khi thỏa thuận hòa bình Minsk được thực hiện. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 19-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhấn mạnh, “không có lý do nào để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga”, bởi Moscow chưa thực thi đầy đủ tất cả các cam kết của mình theo thỏa thuận Minsk. Thủ tướng Merkel cho biết đang nỗ lực làm việc với Tổng thống Pháp Francois Hollande để hối thúc Ukraine và Nga thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk bất chấp những khó khăn.

Thỏa thuận hòa bình vốn như ngọn đèn trước gió này thật sự đang hấp hối với những cuộc xung đột bùng phát và việc cả hai bên đổ lỗi cho nhau không thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận. Theo thỏa thuận, Kiev cam kết cấp tình trạng đặc biệt Donbass, ân xá cho các chiến binh nổi dậy và tổ chức bầu cử. Kiev biện minh cho việc chậm hành động bằng cách buộc tội Nga không đáp ứng các nghĩa vụ liên quan khi tiếp tục khuấy động xung đột ở phía đông và không nhường lại quyền kiểm soát biên giới phía đông của Ukraine.

Nhưng thực tế cho thấy, bóng đang ở bên sân Ukraine. Giới quan sát cho rằng, nếu Kiev vẫn tiếp tục chậm chân, Nga có thể buộc phải tính đến lựa chọn khác.

Khả Anh