Vẫn còn hiện tượng mạo danh chủ đầu tư lừa đặt cọc nhà ở xã hội

Thứ sáu, 06/08/2021 16:26

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, tại một số địa phương trên cả nước, điển hình như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn còn xảy ra hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Nhà ở, nhà cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.

Bất cập nguồn cung, nhà ở xã hội bị rao "ảo"

Theo Bộ Xây dựng, mạo danh chủ đầu tư rao bán, lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội là vấn đề "nóng" diễn ra trong bối cảnh cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế. Vấn đề tồn tại đáng quan tâm nhất hiện nay là hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt, đặc biệt là các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản tự do, không được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản còn khá phổ biến.

Tại một số địa phương vẫn còn các bất động sản, dự án bất động sản chưa đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh vẫn đưa ra giao dịch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp từ 55/63 địa phương có báo cáo gửi tới Bộ Xây dựng, trong quý II-2021 chỉ có 3 dự án với 1.766 căn hộ được cấp phép mới tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn. Ngoài ra, có 94 dự án nhà ở xã hội với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa và thành phố Hà Nội; 2 dự án với 264 căn đã hoàn thành tại Phú Thọ và Long An; 5 dự án với 1.855 căn hộ tại các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, An Giang đã được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Theo Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50-70m2 với mức giá bán dao động dưới 20 triệu đồng/m2. 

Công khai dự án, xử nghiêm vi phạm

Để ngăn chặn tình trạng môi giới bất động sản lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội nêu trên, theo Bộ Xây dựng, các địa phương cần lập, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm 2021-2025 và kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý ở các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại với giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình; điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tăng cường triển khai thực hiện các chính sách, văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản mới ban hành; công bố công khai và tổ chức thực hiện liên thông, rút ngắn thời gian quá trình xem xét, giải quyết thủ tục hành chính trong cấp mới, điều chỉnh, rà soát dự án kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản, về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.

Ngoài ra, cơ quan quản lý tại các địa phương cần tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.

HÙNG VÕ