Vấn đề cũ, khó khăn mới
Không nằm ngoài dự đoán, trọng tâm chuyến công du đến Nhật của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “tất cả những gì liên quan” đến Triều Tiên.
Có thể nói, ông Trump đã có chuyến đi thành công. Tại một cuộc gặp thượng đỉnh, Thủ tướng Shinzo Abe đã không ngần ngại ủng hộ quyết tâm của Tổng thống Mỹ về việc mở các hoạt động quân sự chống lại Triều Tiên nếu cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, động thái này lại mở ra cho Nhật những khó khăn mới trong việc giải quyết vấn đề những công dân nước này bị Bình Nhưỡng bắt cóc.
Thực tế cho thấy, vụ Triều Tiên bắt cóc nhiều công dân Nhật cách đây vài thập niên vẫn là trở ngại lớn trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Vấn đề này từng được đưa lên bàn đàm phán rất nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết. “Ánh sáng cuối đường hầm” từng lóe lên vào năm 2002 khi Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi và người đồng cấp Kim Jong-Il hội đàm thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng để bàn về việc này.
Và tại bàn hội đàm, ông Kim Jong-Il đã thừa nhận Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật và tuyên bố rằng, vụ việc đã kết thúc. Tokyo liệt kê 17 công dân bị Triều Tiên bắt cóc và nghi ngờ Bình Nhưỡng liên quan đến những vụ mất tích khác của công dân Nhật Bản. Một tháng sau hội nghị thượng đỉnh Junichiro Koizumi - Kim Jong-Il, 5 người đã được trở về Nhật Bản. Tuy nhiên, mọi việc lại đóng băng kể từ đó.
Khi lên nắm quyền, ông Abe khẳng định việc giải cứu các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ của ông. Nhưng rõ ràng, nếu một lựa chọn quân sự được đưa ra để đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân đang gia tăng từ Triều Tiên, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của những công dân này.
Chính người thân của những công dân bị bắt cóc cũng phản đối việc sử dụng vũ lực chống lại Bình Nhưỡng. Hiện nay, tất nhiên Nhật Bản đang chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ từ Triều Tiên, nhưng Tokyo vẫn tiếp tục hy vọng các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể được giải quyết mà không cần Washington sử dụng đến hành động quân sự.
THANH VĂN