Vẫn "giữ lửa" thuở cha ông

Thứ ba, 25/12/2018 14:40

Trong quá trình nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhiều làng nghề truyền thống ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) như chiếu Cẩm Nê, nón lá La Bông (xã Hòa Tiến)... đang bị mai một thì làng nghề bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong) vẫn còn là một địa chỉ tiềm năng. Không ai nhớ chính xác làng nghề này có từ bao giờ nhưng theo lời bà Đặng Thị Túy Phong (75 tuổi), hồi bà còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình làm nghề này. Lớn hơn một chút thì đã biết phụ phơi bánh. Nhà nào cũng có lò tráng bánh, nhà đông có khi có đến hai, ba lò. Bà cũng là người hiếm hoi trong gia đình còn giữ được nghề, nhưng vẫn không giấu được nỗi lo: "Ở làng nghề này, dù thu nhập mỗi lao động so với các công việc khác không cao, nhưng lớp người già lại không ai muốn bỏ nghề, vẫn giữ lửa thuở cha ông để gìn giữ thương hiệu mà các thế hệ đi trước đã tốn công gầy dựng. Bên cạnh đó, để nghề này phát triển ổn định, rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu khai thác hiệu quả giữa phát triển kinh tế gắn với du lịch làng nghề". Cũng theo bà Phong, thời gian gần đây, có nhiều người con quê hương đang định cư ở nước ngoài mỗi lần về quê đều đặt mua bánh với số lượng lớn để mang qua làm quà biếu...

Làng nghề truyền thống bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong) vào vụ Tết.

Khi Tết Nguyên đán cận kề, cũng là lúc các hộ gia đình phải tất bật làm ra những chiếc bánh ngon giúp người tiêu dùng đón tết cổ truyền đầm ấm, trọn vẹn. Đây cũng là dịp để hộ dân trong làng nghề tăng thu nhập. Các cơ sở sản xuất bánh tráng trong làng hoạt động theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ. Sản phẩm làm ra ít có nhà nào phải mang đi bán xa vì khách hàng thường phải đặt trước. "Cả làng chỉ còn hơn 20 hộ coi nghề này như một nghề mưu sinh cuối năm. Nghề này cực lắm, nhiều công đoạn, phải chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hôm trước. Hôm sau phải thức từ 3-4 giờ sáng, nhóm bếp cho đủ nóng để 5 giờ là bắt đầu tráng. Tráng miết tới chiều, tới tắt nắng thì ngưng. Một lò tráng phải có nhiều lao động để tráng, phơi và làm quần quật từ khuya đến chiều tối. Công việc tưởng chừng đơn giản như phơi và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh bếp than để gỡ cho đúng lúc. Sau đó xếp lại thành chục, rồi dằn cho phẳng mặt, trước khi giao hàng", ông Đặng Công Bê với gần 35 năm làm nghề chia sẻ... Nhọc nhằn bám trụ với nghề là vậy, nhưng họ chưa một lần nản chí. Con, cháu của họ nhờ vào sự nghiệp của gia đình mà học hành đỗ đạt, thành danh trên nhiều lĩnh vực. Dù chẳng ai theo nghiệp gia truyền, nhưng với những người "giữ lửa" đó là một cái kết có hậu, bởi chính sự nhọc nhằn bám trụ với nghề của ông cha đã cho con cháu một tương lai tươi sáng hơn.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân, ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, máy móc làm thay con người rất nhiều công đoạn sản xuất của các nghề truyền thống với độ chuẩn xác cao, kể cả những chi tiết tỉ mỉ. Do vậy, để người tiêu dùng lựa chọn hàng thủ công với giá đắt hơn thay cho hàng sản xuất công nghiệp hàng loạt bằng máy móc với giá rẻ hơn chính là nhờ cái hồn của sản phẩm được người thợ tạo cho trong quá trình sản xuất. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề thủ công truyền thống đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ tạo ra các giá trị vật chất mà quá trình chăm chút phát triển nghề còn chắt lọc tạo nên các giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc đặc trưng cho địa phương - yếu tố có thể tạo cơ hội phát triển hơn nữa từ du lịch làng nghề... "Hiện nay, bánh tráng Túy Loan không chỉ có ở các hoạt động lễ hội hằng năm của địa phương, mà còn được chính quyền các cấp chọn làm sản phẩm tiêu biểu theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ", Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết thêm.

VY HẬU