Văn hóa dân gian trong văn xuôi đương đại Việt Nam

Thứ sáu, 05/10/2018 11:17

Mối quan tâm lớn của xã hội đương đại là việc giữ gìn những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ đi suốt chiều dài lịch sử của đất nước cũng đã không ngừng khai thác những giá trị văn hóa dân tộc trong sáng tác của mình. Văn xuôi thời kỳ đổi mới, tưởng chừng bị cuốn đi với thời đại của điện tử công nghệ thông tin... Song, những nhà văn, ngay cả thế hệ các nhà văn trẻ cũng luôn tìm tòi, khai thác các giá trị văn hóa dân tộc.

Cảnh trong phim "Thương nhớ ở ai"-chuyển thể từ tiểu thuyết "Bến không chồng" của Dương Hướng.

Gần đây, khi đọc những tác phẩm của các nhà văn: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Xuân Khánh, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo..., ta vẫn bắt gặp rất nhiều những "chất liệu" văn hóa dân gian trong đó. Trong văn xuôi đương đại, chúng ta vẫn bắt gặp những ngôi làng: Làng Giếng Chùa (tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường), làng Cổ Đình (tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh), làng Đông (tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng), xóm Nhài (truyện ngắn Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp), xóm nhỏ (truyện ngắn Hiu hiu gió bấc của Nguyễn Ngọc Tư), làng Lạc Quần (truyện ngắn Tôi và gã của Y Ban)... Làng xóm là cái nôi cho sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời, dù ở đồng bằng (làng Đông, làng Giếng Chùa), trung du (làng Cổ Đình) hay miền núi (bản Hua Tát). Và ở mỗi làng quê ấy đều có một ngôi đình. Ở Việt Nam, đình làng là một sản phẩm độc đáo và được đặt ở vị trí trung tâm của làng; vừa là công đường, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa. Ai cũng muốn có vai vế ở "góc chiếu sân đình". Không gian văn hóa của các tác phẩm văn xuôi hiện đại thường gắn với hình ảnh dòng sông, cánh đồng, cây đa, bến nước: dòng sông Đình (Bến không chồng), sông Son (Mẫu thượng ngàn), sông Cầu (Mảnh đất lắm người nhiều ma), những dòng sông, cánh đồng mênh mang, ngút ngát (Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư)... Với người Việt, từ bao đời, sông luôn gần gũi và yêu thương, sông gắn với những kỷ niệm về quê hương, cha mẹ. Sự miêu tả của các nhà văn hiện đại về các dòng sông đúng như nhận định của GS. Trần Quốc Vượng: Tính sông nước là một đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, hình ảnh ruộng đồng, gò bãi, sông nước nếu chỉ dừng lại ở việc miêu tả thì đó mới chỉ là không gian sống, là bối cảnh. Các nhà văn đã khai thác những giá trị văn hóa dân tộc để không gian đó trở nên sống động. Ở đó, mỗi khúc sông, mô đất, cánh đồng, gốc cây... đều có lai lịch, huyền tích, và sâu hơn nữa là lịch sử và văn hóa dân tộc.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, yếu tố văn hóa dân gian chiếm một vị trí to lớn. Hầu như trong các tác phẩm của ông đều hiện diện các yếu tố huyền thoại, truyền thuyết, dân ca, tục ngữ. Trong tập truyện Những ngọn gió Hua Tát là những tư liệu sống động từ quá trình sống và làm việc của ông 10 năm tại vùng núi rừng Tây Bắc. Bản Hua Tát là nơi người Thái đen sinh sống trong một thung lũng hẻo lánh bốn bề bao bọc bởi núi non và quanh năm chìm trong sương mù dày đặc. Bởi vậy, toàn bộ khung cảnh ở đây dường như luôn huyền bí và thấm đẫm các truyền thuyết. Ở Hua Tát có rất nhiều truyền thuyết của địa phương. Tất cả những truyện này đều kể về những con người đặc biệt và những câu chuyện không bình thường còn lưu lại trong ký ức những người dân địa phương. Người làng Đông trong tiểu thuyết Bến không chồng có "tích làng", có sự tích về hồ "mắt tiên", truyền thuyết làng về gò ông Đổng. Người làng Giếng Chùa (Mảnh đất lắm người nhiều ma) có tích ngọc Giếng Chùa, ma núi ông Bụt, dòng họ Trịnh Bá thờ ông Ba Mươi...

Người phụ nữ trong văn học Việt Nam, dù xưa hay nay, đều là hình ảnh của cái đẹp. Lòng khoan dung, sự vị tha nhẫn nại, nhân hậu... của người phụ nữ như là sự đối trọng với cái xấu, cái ác, là liều thuốc tinh thần hiệu nghiệm của mỗi người. Trong thế giới nhân vật của các nhà văn hiện đại như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư... dường như các nhân vật nữ đều đẹp. Vẻ đẹp sinh sắc tươi nhuận được đặt trong sự vận động không ngừng của cuộc sống. Trong Bến không chồng, tác phẩm được Hội Nhà văn trao giải thưởng năm 1991, nhà văn Dương Hướng đã vẽ lên những người phụ nữ đẹp như huyền thoại. Đó là Ngần, cô gái đẹp nhất làng Đông, là chị Nhàn, Thắm, Thủy, Hạnh... họ đẹp từ trong cuộc sống đời thường đến những câu chuyện kể. Đức hy sinh, vị tha của cô Ngần, Thắm Hạnh... vừa làm người đọc ứa nước mắt thương cảm, vừa dấy lên sự cảm phục. Những nhân vật nữ được khắc họa, ca ngợi nhiều nhất, "đậm đặc" nhất là Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Cuốn tiểu thuyết đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006. Nhà văn cho biết: "tôi quyết định đẩy mạnh không gian trong tiểu thuyết, từ đơn thuần chỉ là kháng chiến chuyển sang viết về văn hóa Việt, văn hóa làng". Luồng văn hóa xuyên suốt trong tác phẩm là đạo Mẫu. Trong tác phẩm của ông, tất cả người đàn bà đều đẹp và mãnh liệt sức sống, tràn trề tình yêu thương, bao dung nhân hậu, từ bà Tổ Cô bí ẩn, bà Ba Váy đa tình, đến cô Đồng Mùi, cô Mõ Hoa khốn khổ, cô trinh nữ Nhụ tinh khiết...

Trong văn xuôi hiện đại Việt Nam, các nhà văn nữ đã thể hiện nguyên lý tính Mẫu trong văn hóa Việt theo cách riêng của mình. Các yếu tố sinh, dưỡng, dục, lạc được thể hiện bằng tiếng nói của trái tim, bởi "người phụ nữ dùng con tim của mình để suy tư". Với nhà văn Y Ban, khi viết về đề tài người phụ nữ là chị "đang vẽ chân dung đồng giới mình". Chị hóa thân vào họ, thể hiện tâm hồn, gương mặt họ bằng cái nhìn chân thật nhất. I am đàn bà, một truyện ngắn đã mang đến cho nhà văn Y Ban những lời khen chê đối lập, và cũng đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu. Người phụ nữ nghèo khó với một đàn con, nhưng cái nghèo, cái đói không làm mất đi trong người đàn bà đó lòng bao dung nhân hậu, vị tha. Trong thế giới nhân vật của nhà văn Võ Thị Hảo, người đọc bắt gặp ở đó những người phụ nữ sẵn lòng bao dung, độ lượng. Trong truyện ngắn Đường về trần, người phụ nữ dù bất hạnh nhưng đến chết vẫn thương người chồng chẳng ra gì của mình. Người mẹ trong Chuông vọng cuối chiều, bà có quyền căm ghét, thù oán người chồng bội bạc, nhưng cuối cùng bà đã tha thứ, vì những suy nghĩ rất nhân văn, rất đàn bà: đứa con kia cũng là máu thịt của chồng bà. Tiếng chuông chiều ngân lên thong thả và những cánh hoa đại rơi trên sân chùa là nơi gửi gắm sự bình yên trong tâm hồn bà...

Năm 2006, văn đàn Việt Nam đã nóng lên bởi tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư- nhà văn trẻ của vùng đất Nam Bộ. Khi Cánh đồng bất tận được trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam thì Nguyễn Ngọc Tư được coi là một hiện tượng của văn học trẻ nước nhà. Những trang viết của chị mang nhiều nỗi niềm của người đàn bà Nam Bộ. Chị viết về người dân quê mình chịu thương chịu khó, yêu say đắm nồng nàn, và đức hy sinh cao cả. Đó là sự hy sinh âm thầm, là tình yêu nồng nàn cháy bỏng của người đàn bà trong Dòng nhớ, trong Nhà cổ. Đó là lòng bao dung nhân hậu, hy sinh trong tác phẩm Duyên phận so le: Xuyến đã hy sinh hạnh phúc, hy sinh cuộc đời mình để cho con được yên ấm. "Nghe buồn anh cõng buồn em đi lê thê trong dạ... cồn cào, oằn oại, tả tơi gió" (tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận, Nxb.Trẻ, 2005, tr.34 của Xuyến- những nỗi buồn mà cô giấu chặt trong lòng không kể cùng ai- mới cảm nhận hết sự hy sinh của cô: chỉ có sự hy sinh lớn lao của người mẹ mới giúp cô đứng vững trước nắng, trước gió, trước "niềm đau đang bời bời như bão".

Các tác phẩm văn xuôi hiện đại đã khai thác và sử dụng những giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh làm nên chiều sâu và sức sống trường tồn. Các nền văn hóa trên thế giới tồn tại và phát triển đều nhờ vào những hình thái văn hóa mang bản sắc như lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán... Những giá trị văn hóa đó được lưu giữ, truyền tụng bằng nhiều hình thức khác nhau, trong các hình thức đó có văn học.

MỸ HẠNH