Văn hóa làng biển- những gam màu sáng, tối (2)

Thứ năm, 28/11/2013 15:14

Bài 2: Nghề truyền thống làng biển

(Cadn.com.vn) - Đi dọc bãi biển Sơn Trà, Nam Ô, Mỹ Khê... chúng ta có thể bắt gặp đâu đó hương mặn mòi của mắm ruốc, mắm cá hay mùi đặc quánh của nước mắm, mùi cay nồng của mực rim, cá rim... Những hương vị ấy làm cho làn gió ở làng biển cũng quện nên một nỗi nhớ  rất riêng.

           Phơi mắm ruốc.

CHỈ CÓ THỂ LÀ MẮM XỨ QUẢNG

Chạy xe rong ruổi đến cuối đường Hoàng Sa, tôi chợt dừng lại vì cơn gió vừa đưa ngang qua mùi thơm nồng của mắm ruốc. Nghe chúng tôi hỏi thăm, một người đàn ông trạc 60 tuổi nhiệt tình đưa chúng tôi vào tận nơi sản xuất mắm ruốc. Cơ sở sản xuất của bà Lê Thị Bê (50 tuổi) có khoảng chục lao động đang mải mê làm việc.  Những cối ruốc đầy xay xong được công nhân đổ ra thau nhanh tay lọc phần “nước cốt” để đem phơi cho kịp giờ nắng lên. Công đoạn “lọc mắm ruốc” cũng lắm kỳ công.

Ruốc đã xay nhuyễn được đổ ra một chiếc túi bọc nhiều lớp vải mịn, sau đó người công nhân dùng tay vắt từ chiếc túi bọc vải để nước cốt từ ruốc chảy xuống chiếc thau phía dưới. Do phải qua nhiều lớp vải nên nước cốt của ruốc tuy rất khó chảy xuống nhưng lọc được phần tinh cốt nhất của ruốc, vừa có tác dụng lọc cát, sạn sau khi ruốc đã thành phẩm”. Khi vắt được một lượng “nước cốt” nhất định, họ đưa ra khoảng sân rộng phía ngoài để phơi. Một lát sau khi bắt nắng, mùi thơm của ruốc bắt đầu lan tỏa trong không khí.

Ông Phan Liêm quét dầu, phơi thúng, hoàn tất công đoạn cuối cùng để cho ra sản phẩm.

Qua 1 nắng, rồi 2 nắng... ruốc càng thêm dậy mùi. Bà Phạm Thị Bốn (48 tuổi) công nhân chuyên việc phơi mắm ruốc cho hay: “Trong khoảng thời gian phơi, phải thường xuyên đảo mắm để mắm được “chín” đều dưới ánh nắng mặt trời. Cứ như thế, phơi trong khoảng 3-4 ngày, khi mắm đặc quánh lại là có thể dùng được”.

Bà Lê Thị Bê, chủ cơ sở, chia sẻ: “Để có mắm ruốc ngon nhất phải ra cảng mua từ khi trời mới mờ sáng, lúc đó ruốc mới lên bờ, còn tươi nguyên. Ruốc càng tươi mắm càng ngọt. Hơn nữa, nếu ruốc được xay và phơi trong những ngày nhiều nắng sẽ dậy mùi thơm, màu đẹp...”.

Cách cơ sở mắm ruốc của bà Lê Thị Bê chưa đầy 2km là cơ sở sản xuất đặc sản Thâu tại địa chỉ 23A, Thọ An, Thọ Quang của bà Nguyễn Thị Châu. Bà Châu kể: “Tôi làm nghề đã hơn chục năm rồi nhưng mới ra thương hiệu đặc sản cách đây chừng 4-5 năm. Đặc sản gì của Đà Nẵng về mắm là cơ sở của tôi đều sản xuất, riêng mắm tôm chua là tôi không làm vì đó là món mang đặc trưng của Huế, chỉ có người Huế làm mắm ấy mới ngon”. Cơ sở của bà Châu có nhiều sản phẩm như: Mắm ruốc, mắm cá cơm, mực rim, nước mắm...

Mặc dù được đi qua và sống tại một số địa phương có nghề làm mắm truyền thống nhưng mắm của người dân xứ Quảng làm ra có sự khác biệt hẳn các địa phương khác song lại rất phong phú.

             Các thế hệ con cháu của ông Phan Liêm miệt mài giữ nghề cha ông.

NGHỀ ĐAN THUYỀN THÚNG

Nếu như nghề làm mắm ra đời để tích trữ sản vật của biển khi đánh bắt được thì nghề đan thuyền thúng là sự tìm tòi cách tiến ra khơi của các bậc tiền nhân làm nghề đánh bắt hải sản. Thuyền thúng có nhiều loại, loại to có thể để máy vào chạy ra khơi xa còn thuyền nhỏ thì chỉ đánh bắt gần bờ, giăng lưới, bắt cá, tôm hay câu mực...

Tùy theo kích cỡ khác nhau mà thuyền có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Ông Phan Liêm (68 tuổi, trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà)  trải qua 3 đời làm thuyền thúng, nói: “Tôi yêu nghề đan thúng này nên truyền lại cho con, cho cháu mong chúng nó giữ lấy nghề. Rứa thôi!”.

Trong câu nói giản dị của ông Liêm, chúng tôi cảm nhận được tình yêu của ông dành cho biển, dành cho nghề và những trăn trở để nghề truyền thống ấy tồn tại mãi mãi.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Chánh Văn phòng Hội Lịch sử thành phố, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ: “Nếu cho tôi chọn lựa những nét văn hóa đặc trưng nhất của làng biển tôi sẽ chọn hình tượng cá ngư ông để biểu trưng cho văn hóa tâm linh còn chiếc thuyền thúng biểu trưng cho văn hóa vật thể. Bởi lẽ thuyền thúng là phương tiện đi lại, mưu sinh, cũng là phương tiện cứu cánh trên biển của ngư dân ta từ xa xưa...”.

Đặc biệt, đối với Đà Nẵng–thành phố biển bên sông Hàn là địa phương có nghề đi biển khá phát triển. Vì thế ông Thiện nhấn mạnh thêm: “Sau này, nếu được lựa chọn một biểu tượng nào đó cho Đà Nẵng, tôi sẽ cân nhắc hình tượng chiếc thuyền thúng”.

(còn nữa)

Hà Giang