Văn học phải mang hơi thở của cuộc sống

Thứ hai, 26/05/2014 12:28

(Cadn.com.vn) - Tại Đại hội Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng (TPĐN) nhiệm kỳ III (2013-2018) ngày 24-5, các đại biểu đã bày tỏ nhiều trăn trở xung quanh đời sống văn học nghệ thuật của TP thời gian qua...

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng Bùi Công Minh tặng hoa cho BCH Hội Nhà văn
Đà Nẵng nhiệm kỳ III. Ảnh: P.T

Chưa thực sự đầu tư thời gian cho sáng tác

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm-Chủ tịch Hội Nhà văn TP- trong phần đánh giá hoạt động của Hội Nhà văn TPĐN nhiệm kỳ II, thẳng thắn nhìn nhận: “Trong bối cảnh tình hình hiện nay yêu cầu đổi mới và phát triển ngày một cao, nhu cầu của bạn đọc ngày càng lớn, tuy nhiên đội ngũ nhà văn của TP chưa thực sự đầu tư thời gian cho công việc sáng tác... Hội Nhà văn có số lượng hội viên tương đối đông nhưng sáng tác chưa đều tay. Chưa có những tác phẩm đột phá về nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật...”.

Dưới góc nhìn của nhà văn Bùi Tự Lực, văn xuôi Đà Nẵng thời gian qua đã có “những tín hiệu vui”, “có sự khởi sắc đáng mừng với những tác giả, tác phẩm tạo được dư luận tốt trên văn đàn cả nước, được bạn đọc yêu mến đón nhận”. Theo nhà văn Bùi Tự Lực, thế mạnh của văn xuôi Đà Nẵng vẫn là đề tài chiến tranh cách mạng và lịch sử. Đề tài về cuộc sống đương đại của thành phố với bao vấn đề nóng hổi: sự xung đột trong đời sống xã hội, sự phân hóa của các tầng lớp, tiến trình đô thị hóa nhanh, sự tha hóa về tư tưởng, lối sống xô bồ... vẫn đang còn bỏ ngỏ, có cảm giác như nhà văn “chưa nhập cuộc, hoặc còn đang e dè thử nghiệm, tránh né, để chọn một bút pháp an toàn”- nhà văn Bùi Tự Lực nói...

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP ông Bùi Công Minh cho rằng, từ thực tế cuộc sống “cơm áo không đùa với khách thơ” đã dẫn đến đội ngũ nhà văn Đà Nẵng chưa thực sự đầu tư thời gian cho việc sáng tác, sáng tác chưa đều tay... là vấn đề đáng suy nghĩ. Muốn có tác phẩm hay, không còn cách nào khác hơn là người cầm bút phải đi để lắng nghe âm thanh mới lạ của cuộc sống, phải không ngừng đọc và học... 

Viết văn là một nghề vất vả, cực nhọc đòi hỏi người cầm bút phải không ngừng lao tâm khổ luyện, bền bỉ dấn thân. Nói khác hơn đây là nghề đòi hỏi tính tự thân của mỗi cá nhân rất lớn. Muốn có tác phẩm hay, mang hơi thở cuộc sống, đòi hỏi mỗi nhà văn không ngừng bền bỉ, đam mê theo đuổi với nghiệp đã chọn, dấn thân, xâm nhập thực tế, bám sát vào đời sống xã hội để cảm nhận, cảm thụ và... viết. Đấy là điều mà nhà văn Thái Bá Lợi, nhà thơ Ngân Vịnh- lớp nhà văn, nhà thơ đàn anh thành danh trong kháng chiến chống Mỹ-chia sẻ tại Đại hội. Nhiều người nêu một hiện tượng đáng buồn trong đời sống văn học nước ta hiện nay đó là, có nhà văn viết nhiều... nhưng không ai biết tên. Nóng vội, cẩu thả hoặc non tay, thiếu sự chắt lọc..., nên có không ít tác phẩm ra đời không để lại dấu vết nào trên văn đàn. Lại có hiện tượng tác phẩm chưa xuất bản đã được lăng xê lên báo với nhiều lời khen... không đáng, thiếu sự thẩm định... Nói như nhà văn Bùi Tự Lực “không nên quá hào phóng lời khen!”.

Phát biểu tại đại hội, ông Bùi Xuân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, văn học phải mang hơi thở của cuộc sống. Thiếu đi yếu tố quan trọng này, văn học sẽ không có chỗ đứng trong lòng độc giả.

Nhà văn trẻ đứng ở đâu?

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ III gồm 7 thành viên. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP nhiệm kỳ III. Cũng tại Đại hội, Hội Nhà văn TP đã đưa ra lời tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm hại vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam. Trong đó có đoạn: “Đại hội Hội Nhà văn TPĐN nhiệm kỳ III hoàn toàn ủng hộ biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo kiên trì trong hòa bình, kêu gọi dư luận thế giới lên tiếng bảo vệ công lý chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đồng lòng cùng Chính phủ và Nhân dân Việt Nam kiên quyết không đánh đổi chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng lấy hòa bình giả tạo, đánh đổi biển đảo máu thịt của dân tộc lấy tình hữu nghị viển vông, lệ thuộc và dối trá! Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam! Tổ quốc Việt Nam muôn năm!”.

Đấy cũng là điều được Hội Nhà văn TP quan tâm, trăn trở đặt ra tại Đại hội. Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Nho Khiêm cho biết: “Trong Hội có nhiều hội viên lớn tuổi nhưng việc phát triển hội viên trẻ chưa đáp ứng yêu cầu”. Nhà văn Bùi Tự Lực băn khoăn: “Cây bút trẻ đang nằm ở đâu?” và đưa ra những lập luận đáng để suy ngẫm: “Các nhà văn đi trước, rồi lớp kế tiếp định hình khá rõ nét, nhưng điểm lại những cây bút trẻ, những gương mặt mới viết văn xuôi còn quá mỏng (cũng có thể nói là đang bị đứt gãy)...

Theo dõi trong thời gian qua, tôi nhận thấy, thi thoảng có một vài tác giả trẻ hiếm hoi như Nguyễn Quốc Việt, Phạm Nguyễn Ca Dao, Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong... xuất hiện một vài lần ở đâu đó rồi mất hút... Nhà văn Bùi Tự Lực cho rằng, trách nhiệm này thuộc về thế hệ đi trước, thuộc về Hội Nhà văn. Với tư cách vừa là hội viên, vừa là Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố, ông Bùi Công Minh trăn trở, cần cấp thiết phải trẻ hóa đội ngũ. Theo đó phải khôi phục CLB nhà văn trẻ ở Đà Nẵng, đừng để cho đội ngũ kế cận này đi tìm diễn đàn khác để khẳng định mình...

Có thể nói, Đại hội nhiệm kỳ III Hội Nhà Văn TPĐN đã không né tránh những mặt còn hạn chế của mình trong thời gian qua. Với sự nhìn nhận thẳng thắn ấy, hy vọng trong tương lai, đời sống văn học nghệ thuật Đà Nẵng sẽ “cất cánh”...

P.Thủy