Văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn: Di sản tư liệu thế giới-tại sao không?
Để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời tiến đến việc đề nghị Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa vào "Danh mục ký ức quốc gia" và trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới, thời gian qua, ngành VH&TT TP Đà Nẵng đã phối hợp cùng các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá một cách hệ thống, khoa học về hệ thống di sản văn hóa tư liệu tại danh thắng quốc gia đặc biệt (DTQGĐB) Ngũ Hành Sơn. Sự nỗ lực đó thể hiện trách nhiệm thế hệ hôm nay đối với những di sản quý báu mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế.
Các bản ma nhai - hệ thống văn khắc Hán Nôm tại các vách động thuộc quần thể DTQGĐB Ngũ Hành Sơn. |
Khởi nguồn ý tưởng
Không phải ngẫu nhiên khi những người làm công tác văn hóa Đà Nẵng có ý tưởng đề xuất này. Từ xa xưa, danh thắng Ngũ Hành Sơn nổi tiếng bởi cảnh đẹp thiên phú, non nước hữu tình với những hang động kỳ ảo, những ngôi cổ tự thu hút vua quan đại thần, tao nhân mặc khách đến thưởng ngoạn, chiêm bái, tức cảnh làm thơ, tán khắc trên vách đá (người xưa quen gọi là ma nhai). Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến dấu ấn của vua Minh Mạng 3 lần xa giá đến đây thưởng ngoạn, ngự thơ trên vách đá. Sử sách ghi lại, từ năm 1802, khi triều Nguyễn xác lập chọn Thừa Thiên - Huế là kinh đô thì Đà Nẵng trở thành phên dậu quan trọng che chắn phía Nam để bảo vệ vương triều. Với vai trò quan trọng đó, Đà Nẵng được triều đình nhà Nguyễn quan tâm đặc biệt, các vua thường xuyên đi thị sát và thăm thú nhiều cảnh đẹp nơi đây, trong đó có danh thắng Ngũ Hành Sơn. Năm 1837, trong lần xa giá cuối cùng đến danh thắng này, vua Minh Mạng đã ban sắc đặt tên cụm núi này là Ngũ Hành Sơn. Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, vua Minh Mạng có lẽ là vị vua duy nhất ở Việt Nam đặc biệt quan tâm và để lại nhiều dấu ấn nhất tại danh thắng này. Cũng theo ông Thiện, quần thể DTQGĐB Ngũ Hành Sơn có rất nhiều giá trị, đặc biệt là hệ thống ma nhai với hơn 70 văn bia khắc cổ có từ thời nhà Nguyễn ghi chép lại toàn bộ tiến trình lịch sử của một trong những Trung tâm văn hóa Phật giáo (VHPG) của Đàng Trong hiện đang được lưu giữ trong các vách núi, hang động, các ngôi chùa.
Ý tưởng đề nghị Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa vào "Danh mục ký ức quốc gia" và đệ trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới được khởi nguồn trong quá trình làm hồ sơ đề nghị Ngũ Hành Sơn là DTQGĐB. Tuy nhiên cần nói thêm rằng, vào tháng 5-2018 Chùa Quán Thế Âm phối hợp Trung tâm VHPG Liễu quán - Huế tổ chức hội thảo liên quan đến những giá trị VHPG Đàng Trong của Ngũ Hành Sơn, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Hán Nôm, VHPG, lịch sử... đã có nhiều tham luận về hệ thống ma nhai, văn khắc thư tịch cổ có tại danh thắng này. Sau hội thảo, Trung tâm VHPG Liễu Quán cùng một số nhà nghiên cứu tại Huế đã bỏ gần 2 tháng vào Ngũ Hành Sơn tiếp tục nghiên cứu sâu, toàn diện tất cả hệ thống văn khắc cổ tự tại đây. Trên cơ sở đó, đầu năm 2019, Trung tâm VHPG Liễu Quán cho ra ấn phẩm chuyên đề "Ngự chế thi và thơ văn ma nhai Ngũ Hành Sơn" với 9 tham luận rất có giá trị, khẳng định: "Hiện tại, trong các hang động Ngũ Hành Sơn đang lưu giữ một số lượng các bản bản ma nhai- hệ thống văn khắc Hán Nôm có giá trị với đủ các thể loại từ bi ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối, hát nói... của các vị cao tăng, vua quan triều Nguyễn cùng bao thế hệ tao nhân mặc khách từng dừng chân lưu đề trên các vách động, với niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến tận những thập niên cuối của thế kỷ XX". Trong tham luận "Tổng quan về hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn", Đại đức Thích Không Nhiên - Trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm VHPG Liễu Quán cho biết, qua khảo sát văn bản ma nhai tại 5 hang động: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Âm Phủ và một số vị trí khác tại ngọn Thủy Sơn, bước đầu thống kê có khoảng hơn 90 văn bản, trong đó động Huyền Không chiếm đến 60 văn bản, kế đến là động Tàng Chơn có 20 văn bản, các động còn lại từ 2-3 văn bản. "Ma nhai Ngũ Hành Sơn là nguồn tư liệu quý, lưu giữ nhiều thông tin có giá trị liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của một vùng đất - nơi đánh dấu sự "cộng cư" hài hòa, sinh động giữa người Việt di cư và người Chămpa tiền trú, phản ánh xu thế tiếp biến, dung hòa và nuôi dưỡng các hệ giá trị của nhiều truyền thống văn hóa tâm linh khác nhau và mảnh đất này đã nặng lòng cưu mang, vỗ về trong dặm dài lịch sử", Đại đức Thích Không Nhiên nhận định. Cũng theo Đại đức, so với các địa chí lưu dấu ma nhai nổi tiếng của đất nước tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, ma nhai Ngũ Hành Sơn không chỉ vượt trội về mặt số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tập nhiều thế hệ tác giả là những danh nhân, yếu nhân của 3 miền đất nước cũng như ngoại kiều, mà còn hơn thế nữa, ma nhai Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia khắc thời kỳ các chúa Nguyễn còn đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố bia ma nhai tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm VHPG Liễu Quán sao dập bản ma nhai tại động Huyền Không. |
Trách nhiệm của hậu thế
Không phải đến bây giờ vấn đề liên quan đến những giá trị đặc biệt đang lưu giữ trong các hang động, trong các ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn mới được đề cập đến. Trước các hội thảo trên, nhiều nhà nghiên cứu khoa học cũng đã tiếp cận và có nhiều bài viết nghiên cứu, những công trình nghiên cứu khoa học cấp TP về những tư liệu cổ hiện đang lưu giữ. Đặc biệt, khi làm hồ sơ đề nghị Ngũ Hành Sơn là DTQGĐB, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã cho dập toàn bộ văn khắc, hệ thống ma nhai này để xây dựng hồ sơ trình Hội đồng di sản Việt Nam. Khi danh thắng Ngũ hành Sơn được công nhận, nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận hồ sơ đã tư vấn cho ngành văn hóa Đà Nẵng nên tiếp tục hoàn tất hồ sơ đệ trình Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa vào "Danh mục ký ức quốc gia" và trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới. "Sau khi danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận, ý tưởng đó càng được thôi thúc mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên do mới được công nhận nên chúng tôi vẫn còn e dè. Đến hội thảo cuối tháng 3 vừa qua về thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn, trước ý kiến của các nhà nghiên cứu đã làm tăng thêm sự tự tin cho những người làm văn hóa Đà Nẵng thực hiện ý tưởng ấp ủ. Lãnh đạo Sở VH&TT đã chỉ đạo Bảo tàng Đà Nẵng tập trung xây dựng hồ sơ khoa học để trình Hội đồng UNESCO. Đây là công việc không thể thực hiện ngày một ngày hai là được. Hiện chúng tôi đang gấp rút triển khai với sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu khoa học chuyên về Hán Nôm, các nhà nghiên cứu VHPG, các nhà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố Đô Huế", ông Thiện trao đổi.
Cách đây hơn 1 năm, khi tham dự sự kiện đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, GS.TSKH Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội Đồng Di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã từng chia sẻ với báo chí về giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ông cho rằng, Ngũ Hành Sơn mới chỉ xem như là thắng cảnh thôi, nhưng thực ra trong đó chứa đựng nhiều di sản văn hóa vô cùng quý hiếm.
P.THỦY