Vẫn là lời hứa suông

Thứ bảy, 14/09/2013 13:04

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-9, người Palestine đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày ký kết Hiệp định hòa bình (HĐHB) Oslo với Israel. Đây là hiệp định từng trở thành hiện tượng thế giới. Nhưng, sau 20 năm, nó vẫn được cho chỉ là một “mớ giấy lộn” mà thôi.

20 năm trước, vào ngày 13-9-1993, Thủ tướng Israel lúc đó Yizhak Rabin và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat ký kết Hiệp định hòa bình Oslo trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, để chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột giữa hai bên.

Theo đó, Palestine “thừa nhận quyền sống của Israel trong hòa bình và an ninh... từ bỏ việc sử dụng công cụ khủng bố cùng các hình thức bạo động khác...”. Trong khi đó, Israel “quyết định công nhận Palestine và bắt đầu các cuộc hòa đàm với người láng giềng trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Trung Đông.

Nhưng hiện nay, không mấy ai còn nhắc đến hiệp định này. Thật sự, nó bị chính quyền kế nhiệm G.W.Bush thuộc đảng Cộng hòa để cho thối rữa với những xung đột liên tiếp giữa hai bên. Bởi không có lý do gì để ông Bush lại thúc đẩy cho một kế hoạch được coi là “để đời” của phe Dân chủ (người tiền nhiệm Clinton). Mặc dù vậy, cái gì cũng có mặt tiêu cực và tích cực.

Trên thực tế, mặc dù chính quyền quốc gia Palestine (PNA) được thành lập và hàng loạt các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức theo thỏa thuận này, mục tiêu chính của người Palestine vẫn không đạt được. Mekhemer Abu Seda, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học al-Azhar ở thành phố Gaza, cho rằng, một trong những kết quả tích cực HĐHB Oslo là “việc thành lập chính quyền Palestine, một thực thể chuyển tiếp đối với người Palestine”, trong đó cung cấp y tế, dịch vụ giáo dục và xã hội cho người dân”. Việc hàng trăm ngàn người Palestine trở lại Gaza và Bờ Tây là thành tích tốt, bước đệm giúp người Palestine đi đến bước thứ hai và đạt thành quả: trở thành nhà nước quan sát viên phi thành viên của LHQ.

Bất chấp các chính sách mở rộng khu tái định cư của Israel, HĐHB Oslo cũng giúp người dân kiên định ở các vùng đất Paletine vốn bị Israel chiếm đóng vào năm 1967, giúp giải phóng hàng ngàn tù nhân Palestine từ các nhà tù Israel. Tuy nhiên, “những khuyết điểm” của thỏa thuận này cũng không ít. Nó không giúp kết thúc sự chiếm đóng quân sự ở Bờ Tây và Gaza và không giải quyết được các hành động xây nhà tái định cư.

Đây là hai vấn đề lớn mà người Palestine phải đối mặt tại thời điểm này và trong tương lai. Việc Israel không chứng tỏ thiện chí ngừng việc xây dựng các khu tái định cư khiến Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và các quan chức cấp cao khác nhiều lần nói rằng, nếu tiến trình hòa bình với Israel thất bại, người Palestine có lựa chọn thay thế khác, như  nỗ lực yêu cầu LHQ thừa nhận một nhà nước Palestine độc lập.

Sau 20 năm, với tình hình hiện nay, có thể nói, Hiệp định Oslo đã chết do các chính sách của Israel trong việc chiếm đóng quân sự, mở rộng các khu định cư, phong tỏa dải Gaza và chia cắt Bờ Tây.

Thanh Văn