Văn hóa giao thông, văn minh đô thị:

Văn minh từ những “góc nhỏ”

Thứ ba, 02/12/2014 10:23

(Cadn.com.vn) - Bằng những hành động thiết thực như xây dựng quan hệ giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư, thực hiện tốt các quy định về ATGT, trật tự đô thị... Đà Nẵng sẽ dần trở thành “thành phố giàu tính nhân văn, hấp dẫn và đáng sống”, thân thiện, an bình, có đời sống văn hóa cao...

Khu vui chơi trong khu phố trước đây là bãi rác được người dân góp tiền xây dựng trở thành điểm lý tưởng cho người dân. 

Khu phố văn minh

Hình ảnh người dân tổ dân phố tham gia tích cực tổng vệ sinh nơi cư trú, dọn dẹp vệ sinh công cộng, giữ gìn trật tự đô thị, hàn huyên tâm sự dọc khu phố... là những hình ảnh không còn xa lạ với người dân 2 bên đường Nguyễn Trác (tổ 40 và 43, P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, Đà Nẵng).

Những việc làm ấy tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, góp phần làm cho bộ mặt của khu phố nói riêng và của thành phố nói chung ngày càng mỹ quan hơn, thân thiện hơn, văn minh hơn. Tất cả các hộ dân ở đây thường xuyên vận động nhau trồng và chăm sóc cây xanh, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh khu phố, xây dựng lối sống lành mạnh, từ đó khu phố trong những năm gần đây trở nên sạch sẽ, văn minh với bầu không khí sạch sẽ, thoáng đãng, an ninh và yên bình.

Ông Trương Quế, Tổ trưởng tổ dân phố 43 Hòa Thuận Tây cho biết, tất cả hộ dân trong tổ  cam kết đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong đó chú trọng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Khu phố văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phong trào xây dựng cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp ngày càng đi vào nền nếp...

Trong đó xây dựng thí điểm tuyến đường Nguyễn Trác là kiểu mẫu về trật tự an toàn giao thông, xanh, sạch đẹp bằng cách vận động các hộ dân góp tiền làm công viên, trồng cây vỉa hè, lắp đặt ghế đá, dù che mưa nắng dọc vỉa hè... Giờ đây tuyến đường đã là nơi lý tưởng để sáng, chiều, tối người dân đi dạo, ngồi lại nghỉ ngơi, trò chuyện. Ông Quế cho hay.

Có thể nói, tuyến phố này là một khu phố văn minh, xanh sạch bậc nhất thành phố hiện nay. Nhờ đó, nhiều năm liền tổ dân phố được thành phố biểu dương, khen ngợi là khu phố văn minh, sạch, đẹp, năm 2013 được Sở Xây dựng cấp Giấy khen vì thực hiện tốt cuộc vận động các hộ dân tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh...

Chợ Hàn đang là điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.

Đến chợ văn minh

Là một trong những địa danh nổi tiếng và là điểm du lịch của thành phố, chợ Hàn được chọn xây dựng chợ văn minh thương mại, chợ du lịch với mục tiêu nâng cao nhận thức của người bán hàng và người tiêu dùng về văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng và thể hiện phần nào văn hóa văn minh của cả một vùng đất, con người trong mắt của du khách.

Ý thức được điều này, các cấp quản lý cũng như tiểu thương tại đây những năm qua đã thực hiện chủ trương này rất tốt. Từ đó, văn minh thương mại ở đây được du khách đánh giá rất cao với các tiêu chí không có người chèo kéo, mồi chài, không cân thiếu, không gian lận...

Ông Phan Thành Toại, Phó Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Hàn cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, đặc biệt là Sở Công Thương, BQL đã vận động các tiểu thương kinh doanh hàng đúng chất lượng, đảm bảo vệ sinh ATTP, công khai niêm yết giá bán, tổ chức tập huấn các khóa bán hàng, tập huấn VSATTP cho tiểu thương...

Ngoài ra, BQL còn phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục VSATTP để hướng dẫn hộ kinh doanh gắn nhãn mác cho sản phẩm, bảo quản thực phẩm... Cũng theo ông Toại, BQL chợ đã sát cánh cùng tiểu thương, xây dựng chợ Hàn thành chợ du lịch chợ văn minh thương mại.

Từ việc vận động từng hộ kinh doanh văn minh, không vi phạm pháp luật, đến nay, nhiều tiểu thương, nhiều ngành hàng trong chợ đạt chuẩn. Bên cạnh đó, việc đặt điểm thử hàn the miễn phí ngay trong chợ để tiểu thương và người tiêu dùng chủ động kiểm tra bún, phở mỳ, chả cá, thịt chín... cũng là một cách thể hiện văn hóa, văn minh của người kinh doanh. Nhờ vậy, 10 năm liền, chợ Hàn được chọn là chợ văn minh thương mại cấp thành phố.

Đến chợ Hàn để đi chợ văn minh. Người mua hàng có thể dễ dàng bắt gặp những bảng hiệu “3 không” (không nói thách, không mặc cả, vui lòng không trả hàng nhưng được đổi hàng) hay những lời mời chào vui vẻ, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách với nụ cười luôn thường trực của những cô gái bán hàng...

Một Đà Nẵng văn minh, tiến bộ bắt đầu từ những người ở nơi vốn được gọi “chợ búa” hoặc là những góc nhỏ trong khu dân cư. Đó cũng là một cách hiệu quả, một nét tạo nên một  Đà Nẵng “hài hòa, thân thiện, an bình và có đời sống văn hóa cao”, một thành phố “giàu tính nhân văn, hấp dẫn và đáng sống!”...

Xuân Đương